Thanh Hóa: Gỡ vướng cho người nhiễm HIV điều trị bằng Bảo hiểm y tế
(Chinhphu.vn) – Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới có 3.066 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm hơn 76%. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính cho người bệnh khi phải điều trị liên tục và lâu dài.
Người nhiễm HIV khi tham gia BHYT sẽ được rất nhiều lợi ích. Ảnh: Thùy Chi |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện toàn tỉnh có 4.312 người nhiễm HIV còn sống, trong đó 4.003 người đang điều trị thuốc kháng virus ARV. Từ năm 2017, hoạt động chăm sóc, điều trị cho các trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV đã được chuyển sang hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) đồng chi trả.
Người tham gia BHYT nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ BHYT chi trả bao gồm: Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả); xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng virus HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Đối với xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...
Người nhiễm HIV khi tham gia BHYT được nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp không sử dụng do lo ngại bị lộ thông tin. Làm rõ vấn đề này, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, người nhiễm HIV tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Thông tin cá nhân của người nhiễm đã được Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản luật pháp khác quy định được giữ bí mật hoàn toàn theo quy định. Vì vậy, bệnh nhân nhiễm HIV không nên quá lo lắng, đặc biệt không nên tự kỳ thị bản thân, bởi có rất nhiều bệnh nhân HIV do lo ngại quá đã tự kỳ thị bản thân và không tham gia BHYT.
Đa phần những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn nên việc tham gia BHYT hỗ trợ họ rất nhiều. Theo quy định hiện hành mức đóng góp chung khi tham gia BHYT là 4,5% mức lương cơ sở (tương đương khoảng 621.000 đồng/năm). Đây là một số tiền không quá lớn khi so sánh với việc bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như việc điều trị ARV liên tục, suốt đời. Nếu là cán bộ, công chức, viên chức người lao động theo hợp đồng sẽ do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp. Nếu là người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo hoặc trẻ em dưới 6 tuổi thì Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
Tại phòng khám và điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa hiện có 754 bệnh nhân điều trị, tuy nhiên chỉ có 672 bệnh nhân có thẻ BHYT.
Để bảo đảm 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn từ BHYT mới chi trả một số dịch vụ khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS tại các bệnh viện trong tỉnh. Năm 2019-2020, tiền thuốc ARV và các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến HIV, thanh toán qua BHYT tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc; Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân và Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa. Nguồn đóng góp của người nhiễm HIV rất hạn chế, toàn bộ chi phí đang được các nguồn tài trợ, nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Do vậy để đáp ứng được nhu cầu phòng, chống HIV/AIDS, nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thì còn thiếu hụt một lượng kinh phí đáng kể.
Để khắc phục tình trạng trên, địa phương đã ban hành kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đưa ra quan điểm cụ thể: Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Ngân sách địa phương là nguồn tài chính cần thiết, bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục vận động và huy động nguồn viện trợ quốc tế, để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc. Tận dụng tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong nước, bao gồm: Quỹ BHYT, các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp, người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả…
Thùy Chi