Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý sau cai nghiện ma túy

31/07/2021 08:22

Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy thời gian qua được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp triển khai bằng nhiều biện pháp. Trong đó, công tác lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện cũng đạt được những kết quả tích cực.

Một tiểu phẩm nói không với ma túy được sinh viên thể hiện tại Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội

Sự vào cuộc đồng bộ

Thực hiện Luật Phòng chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các nghị định của Chính phủ; các thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác cai nghiện ma túy, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đồng thời thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và cai nghiện ma túy.

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã ban hành 9 kế hoạch về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh nâng cao chất lượng điều trị cắt cơn, giải độc, lao động trị liệu đối với người cai nghiện ma túy; phân loại đối tượng sau khi tiếp nhận để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở.

Hằng năm, Công an tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Trong đó, đã chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tốt công tác quản lý và kiềm chế sự gia tăng người nghiện ma túy, quản lý người sau cai nghiện tại cộng đồng; thực hiện hiệu quả công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện đến từng cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng, chống ma túy và công an các xã, phường, thị trấn.

Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện và lồng ghép các nội dung phòng, chống ma túy và cai nghiện phục hồi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Định kỳ kiểm tra, sơ tổng kết, đánh giá, tổ chức các hội nghị chuyên đề, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế.

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong giáo dục pháp luật về dự phòng nghiện ma túy, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tuyên truyền các điển hình trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy. Cấp phát tài liệu thông tin về biện pháp cai nghiện thành công, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn ma túy, phương pháp can thiệp hỗ trợ người nghiện ma túy, người cai nghiện ma túy và tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng hình thức sân khấu hóa, các buổi nói chuyện chuyên đề cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên của 62 trường THCS, THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp nghề.

Tòa án Nhân dân tỉnh tăng cường công tác tập huấn để thẩm phán tòa án hai cấp nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 100% người cai nghiện ma túy tại cơ sở bằng các hình thức như: tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, sinh hoạt hàng tuần tại các đội quản lý, trên hệ thống loa phát thanh, treo pano, áp phích tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giao lưu, gặp gỡ với những tấm gương đã cai nghiện thành công có cuộc sống ổn định và cùng giúp đỡ người sau cai nghiện có cuộc sống ổn định, các điểm hỗ trợ người sau cai nghiện hoặc các điểm điều trị thuốc thay thế.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn treo 3.250 băng zôn tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy; phát 60.000 lượt tin, bài trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử. Nội dung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; các mô hình, điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật, tự giác tham gia các hình thức cai nghiện; tác hại của ma túy tổng hợp, các loại ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy mới; phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán ma túy; các biện pháp, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với người nghiện, người sử dụng ma túy; nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị, phân biệt và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nghiện ma túy.

Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi. Cán bộ, đảng viên và đa số người dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện và vận động, thuyết phục, hỗ trợ con, em trong gia đình, dòng họ, cơ quan, trường học, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng, chống và cai nghiện ma túy, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Đến công tác lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện

Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng đã tiến hành lập 1.764 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức đưa 1.393 đối tượng đi cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc, trong đó có 254 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định được đưa vào quản lý tại cơ sở cai nghiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy cũng đã tiếp nhận 1.159 người đăng ký cai nghiện tự nguyện. Các địa phương đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 3.579 lượt người.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để công tác cai nghiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, các cơ sở cai nghiện ma túy số 1 và số 2 của tỉnh thường xuyên rà soát, xây dựng, ban hành các nội quy, quy chế, quy trình tiếp nhận, quản lý học viên; thực hiện đảm bảo các bước về tiếp nhận, quản lý đối với học viên đang cai nghiện, chữa bệnh tại cơ sở; trong thời gian cai nghiện học viên được hưởng đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; phân loại học viên để quản lý phù hợp. Những học viên đạt kết quả tốt được xem xét đề nghị giảm hoặc miễn thời gian cai nghiện theo quy định. Vì vậy, 5 năm qua các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, không diễn ra tình trạng “vỡ trại”.

Người nghiện ma túy sau khi hết thời gian cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được bàn giao về cho gia đình và chính quyền địa phương để quản lý. Công tác quản lý sau cai được triển khai bằng nhiều hình thức như: hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện; tư vấn để họ thay đổi hành vi, nhân cách; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tạo điều kiện để người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên người sau cai nghiện để họ yên tâm, hòa nhập cộng đồng; thường xuyên khảo sát, thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện ở từng cụm dân cư, tổ dân phố để mọi người nghiện ma túy đều được theo dõi, quản lý.
}
Top