Tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long

20/07/2023 16:36

(Chinhphu.vn) - Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 12 cơ sở cai nghiện ma túy công lập (riêng tỉnh Hậu Giang chưa có cơ sở cai nghiện ma túy), có công suất tiếp nhận điều trị, cai nghiện cho khoảng 6.500 người. Như vậy, các cơ sở hiện có mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%-60% so với nhu cầu thực tế và theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm khu dạy nghề của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long ngày 27/6 - Ảnh: VGP

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 16.700 người nghiện ma túy, số người nghiện ngoài xã hội là 12.413 người; có 9.621 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó số người sử dụng ma túy ngoài xã hội là 9.298 người.

Tình trạng người nghiện các chất ma túy trên địa bàn gia tăng về số lượng và ngày càng trẻ hóa, đã tạo ra nhu cầu tiêu thụ ma túy lớn, kích thích tội phạm về ma túy phát sinh và tăng cường hoạt động.

Trong đó, tỉnh Vĩnh Long hiện có 2.152 người nghiện và người sử dụng ma túy trái phép có hồ sơ quản lý, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Tĩnh Vĩnh Long có 1 cơ sở cai nghiện ma túy với tổng diện tích gần 70.000 m2. Trong đó, Khu 1 diện tích 22.156 m2; Khu 2 và Khu 3 diện tích 47.443 m2. Khu 2 đã được xây dựng và sắp đưa vào sử dụng, nâng tổng số cơ sở có thể tiếp nhận là 500 học viên.

Theo ông Trần Ngọc Chi, Giám đốc cơ sở cai nghiện tỉnh Vĩnh Long, Cơ sở đang quản lý 128 học viên (93 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án; 34 học viên cai nghiện tự nguyện và 1 học viên xã hội).

Hiện nay, phần lớn người nghiện đang sinh sống tại cộng đồng; đối tượng tiếp nhận, quản lý vào Cơ sở ngày càng phức tạp, đa số sử dụng ma túy tổng hợp, có nhiều tiền án tiền sự ngoài xã hội; độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ; số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng và nhu cầu được chăm sóc, điều trị bệnh cao.

Dự án nâng cấp, mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023, nâng quy mô tiếp nhận, quản lý của Cơ sở lên 500 học viên sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị như về biên chế, việc tìm kiếm đối tác đào tạo nghề, tổ chức lao động trị liệu tạo thu nhập cho học viên tại Cơ sở.

Tỉnh Vĩnh Long mong Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng Khu quản lý đối tượng là trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nhằm thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ và Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 5/4/2016.

Tiếp tục mở rộng và xây dựng Khu cai nghiện ma túy tự nguyện theo hướng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước và từng bước giảm dần cai nghiện ma túy bắt buộc theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Mở rộng diện tích đất để bố trí Khu lao động trị liệu cho người nghiện ma túy đang cai nghiện tập trung tại Cơ sở. Mục tiêu Cơ sở hướng đến là làm nông nghiệp công nghệ cao như trồng nấm, rau xanh, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Còn tỉnh Hậu Giang có 1.039 người nghiện, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 7/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, việc cai nghiện ma túy bắt buộc đang được gửi tại Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Cần Thơ đặt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Được tiếp nhận từ Trường Bổ túc Công nông huyện Phụng Hiệp, được xây dựng trước năm 1990 và một số hạn mục xây dựng trước năm 2000, đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Cần Thơ đã xuống cấp.

Khả năng tiếp nhận, quản lý người cai nghiện hạn chế so với số người nghiện ma túy đang quản lý ngoài cộng đồng (người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn TP. Cần Thơ 3.407 người và tỉnh Hậu Giang 1.181 người), hiện cơ sở đang quản lý 427 người, (tại một thời điểm chỉ chiếm 9,3% trong tổng số người nghiện của thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang), do đó khó đạt được mục tiêu cụ thể " trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng" theo Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025.

Do cơ sở cai nghiện nằm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nên công tác đầu tư, bảo đảm an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn; quy mô, thiết kế chưa phù hợp với chức năng quản lý người cai nghiện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu...

Để thuận tiện quản lý, TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang cùng kiến nghị chuyển Cơ sở cai nghiện ma túy của TP. Cần Thơ đang đóng tại Hậu Giang cho tỉnh Hậu Giang quản lý. TP. Cần Thơ sẽ xây dựng một cơ sở cai nghiện mới.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác cai nghiện tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tuy được quan tâm thực hiện nhưng chưa phát huy hiệu quả. Công tác quản lý sau cai, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa tổ chức thực hiện được công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện ma túy tại một số địa phương còn nhiều khó khăn. Số lượng người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện còn hạn chế....

Tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Cần Thơ ngày 28/6 - Ảnh: VGP

Để giải quyết căn cơ vấn đề ma túy trên cả nước nói chung, cũng như địa bàn các tỉnh, thành phố ĐBSCL nói riêng cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp. Đồng thời, triển khai tổng thể, xuyên suốt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh từ xa, từ sớm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Đặc biệt là nhiệm vụ "giảm cầu", về lâu dài phải giảm được số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Các địa phương vùng ĐBSCL cần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế, công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, đặc biệt là trạm y tế cấp xã đối với các xã còn lại chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy, nhất là cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.

Xây dựng phương án, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở cai nghiện công lập đảm bảo điều kiện theo quy định và đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện tại địa phương.

Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn; bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; ban hành chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; phòng, chống tái nghiện…

Xây mới, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy tại ĐBSCL

Ngày 8/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 269/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL diễn ra ngày 28/6/2023.

Về nâng cấp và xây mới các cơ sở cai nghiện ma túy ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng khu vực nông nghiệp công nghệ cao để học viên cai nghiện ma túy lao động trị liệu và học nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất để tiếp nhận học viên cai nghiện ma túy bắt buộc và cai nghiện ma tuý tự nguyện trên địa bàn.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH và các cơ quan liên quan cân đối nguồn vốn để bố trí xây mới, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy hiện có tại các địa phương, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy hiện có của TP. Cần Thơ đặt tại tỉnh Hậu Giang để thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy bắt buộc cho người nghiện ma túy tại 2 địa phương; cân đối nguồn vốn đầu tư để bố trí cho thành phố Cần Thơ xây mới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. Sau khi cơ sở cai nghiện ma túy của TP. Cần Thơ hoàn thành, tiến hành bàn giao cơ sở cai nghiện cũ cho tỉnh Hậu Giang theo quy định pháp luật về tài sản công.

UBND TP. Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương bố trí quỹ đất, lập dự án đầu tư, gửi Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023.

Về hỗ trợ y tế cho các cơ sở cai nghiện ma tuý, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương có giải pháp điều động có thời hạn bác sỹ từ các cơ sở y tế thuộc ngành Y tế sang hỗ trợ tại các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc ngành LĐTB&XH để bảo đảm các cơ sở cai nghiện ma túy có nhân sự bác sỹ đáp ứng quy định của pháp luật; tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sỹ đang công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn; đội ngũ y sỹ hiện có được học liên thông lên bác sỹ. Điều động, bố trí xe cứu thương hỗ trợ cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Hoàng Giang

 

 

}
Top