'Thủ phủ ma túy' Ngọc Vân giờ ra sao?

21/01/2018 13:49

Xã Ngọc Vân (Tân Yên, Bắc Giang) - nơi cách đây 10 năm được mệnh danh là “thủ phủ ma túy” hay “làng tử tù” với những ám ảnh kinh hoàng của một thời kinh hãi về “cái chết trắng” và án tử.

Người dân xã Ngọc Vân đã tạm quên đi một thời u ám về “cơn lốc ma túy” và đang có cuộc sống lành mạnh về tinh thần và làm kinh tế chân chính

Vùi quá khứ, hướng tương lai

Không còn những ngôi nhà hiu quạnh, tiêu điều và những căn biệt thự rộng hàng nghìn m2 bỏ hoang, cỏ mọc um tùm của chủ nhân dính đến ma túy bị án tử hình hay ngồi “bóc lịch” trong trại giam, Ngọc Vân hiện tại đã khoác trên mình “chiếc áo mới” với những ngôi nhà cao tầng mái đỏ san sát nhau, những thửa ruộng xanh màu nông sản trải rộng và có cả hàng chục sân chơi bóng chuyền được xây dựng để các cụ già, thanh niên cùng trẻ nhỏ vui thú thể thao.

Một cán bộ tư pháp xã Ngọc Vân cho biết, trước đây, người quê Ngọc Vân đi ra ngoài ai cũng giấu nhẹm về quê hương, gốc gác của mình. Sợ người khác biết là con em của xã sẽ bị xa lánh, dè bỉu và luôn đặt ra nghi vấn là tội phạm ma túy. Ngay chính người dân trong xã cũng nghi ngờ, giữ khoảng cách với nhau vì nỗi sợ ma túy. Họ sợ con cái bị dụ dỗ vào đường dây buôn bán “cơm đen, bột trắng”, sợ những đứa trẻ mới lớn lên sẽ bị nghiện ngập ngay trong vùng lõi ma túy.

“Thời điểm 2008 - 2012, việc người lạ vào được trong xã Ngọc Vân là điều nguy hiểm, hiếm thấy. Vì chỉ cần thấy bóng người không quen thuộc thì đều bị “hỏi thăm”, gây rắc rối. Nay cứ phóng xe máy đi thoải mái chả có ai hỏi. Các công ty mọc lên rất nhiều ở Ngọc Vân, con em trong xã và những người ở địa phương khác đến đây làm khá đông. Tệ nạn ma túy đã nguội và nỗi sợ cũng dần vùi vào ký ức”, cán bộ tư pháp cho hay.

Chiều tan ca, từng tốp công nhân may Công ty TNHH Intermax Việt Nam đóng tại xã Ngọc Vân tỏa về khu chợ mới vừa xây dựng xong để mua hàng. Ở một góc chợ, bà Lê Thị A (SN 1947) vẫn cặm cụi chào bán hàng cá khô. Năm 2005, con trai bà là Ninh Văn Hùng (SN 1982) bị bắt và kết án chung thân vì buôn ma túy. Con vào tù, sạp bán cá giờ là nơi mưu sinh, cầu thực của ba bà cháu, trong đó có hai đứa con của Hùng. 

Nhắc đến đứa con tù tội, bà A chực trào nước mắt: “Bố nó mất sớm, để lại cho tôi 5 đứa con thơ, 3 trai, 2 gái. Những tưởng con lớn lên tôi sẽ được nương nhờ, phụng dưỡng, ai ngờ nó làm cái việc tội lỗi ấy, giờ đi tù mọt gông. Vợ nó cũng bỏ đi. Con dại cái mang, giận con, thương cháu, tôi cũng chỉ biết buôn bán ở góc chợ để có tiền nuôi các cháu ăn học. Chỉ mong chúng nó lớn lên sẽ có công ăn, việc làm ổn định, không mắc các tệ nạn xã hội”.

Từ sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng Công an xã Ngọc Vân, chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị T. (SN 1984) ở thôn Hội Dưới, xã Ngọc Vân, có chồng là Nguyễn Thế Hải (SN 1980) bị bắt năm 2009 và lĩnh án tử hình do liên quan đến vụ vận chuyển 8 bánh heroin. Chị cho biết: “Anh ấy bị tiêm thuốc độc vào tháng 6/2016, vụ ấy có 4 người đều bị tử hình. Gia đình tôi đã xin nhận thi thể về an táng tại quê nhà”. 

Hiện tại, chị T. đang sống cùng 3 người con của mình và đã quen dần với sự thiếu vắng của người đàn ông trụ cột gia đình, chị và các con đang nỗ lực vượt qua khó khăn về kinh tế. Hàng ngày, chị đi xuống TP Bắc Giang bán quần áo thuê để kiếm những đồng tiền chân chính nuôi các con ăn, học. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chị T. luôn tự nhủ phải cố gắng làm chỗ dựa cả vật chất và tinh thần cho các con.

Theo ông Nguyễn Văn Đoan, hiện nay, phần đông các gia đình ở xã Ngọc Vân có người dính án tù, án tử từ việc buôn bán ma túy đã không đi vào “vết xe đổ”. Thế hệ con cháu đã nhận thức được sự nguy hiểm, hậu quả của việc buôn bán heroin, nghiện ma túy. Thay vì lao vào những cuộc chơi vô thức, lêu lổng, lười biếng, dính vào các tệ nạn xã hội, thanh niên xã Ngọc Vân đã đi làm công nhân, có công ăn, việc làm ổn định và có một mái ấm gia đình hạnh phúc.

“Như trường hợp của em Nguyễn Thị Tr. (SN 1989), sau khi nỗ lực học tập, Tr. đã trở thành giảng viên của một trường đại học tại Đà Nẵng và hiện đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc với người chồng. Còn cô em gái Nguyễn Thị H. (SN 1991) cũng đang có một công việc ổn định tại Hà Nội. Trước đó, năm 2000, mẹ của hai em là Nguyễn Thị Mai (SN 1964) bị bắt về tội buôn bán ma túy và bị kết án tử hình. Tiếp đó là bố Nguyễn Văn Chung cũng bị bắt về tội buôn bán ma túy và đang phải thi hành án. Ngay từ nhỏ, hai em đã được bà nội nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ. May mắn bằng tình thương của bà và nỗ lực của bản thân, các em đã trưởng thành và trở thành công dân tốt”, ông Đoan cho biết.

Ông Đoan còn giới thiệu với chúng tôi rất nhiều gia đình có người liên quan đến ma túy, nhưng để quá khứ tội lỗi không thêm một lần làm họ đau nên tất cả đều xin giữ lại riêng trong ký ức. Họ chỉ biết rằng, giờ đây khi hiểm họa ma túy ở Ngọc Vân đã bị càn quét, một môi trường sống lành mạnh, an ninh và cơ hội kiếm những đồng tiền chân chính từ sức lao động trên các thửa ruộng nông sản, từ công ty may mặc, khu công nghiệp đã và đang giúp họ khắc phục khó khăn nuôi con, cháu ăn học, sống bình yên mà không đi theo “vết xe đổ” của thế hệ tù tội trước đó.

Những biển hiệu tuyên truyền về bài trừ tệ nạn ma túy đã dần thưa thớt khi ý thức của người dân xã Ngọc Vân thay đổi tích cực

Đưa Ngọc Vân ra khỏi “điểm nóng”

Nhìn vào danh sách 257 đối tượng quê Ngọc Vân bị bắt và kết án vì ma túy trong 10 năm qua mà Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Đoan cung cấp, tôi không khỏi rùng mình, “nam phụ lão ấu” đủ cả. Đáng sợ là có đến mấy chục án chung thân và tử hình, còn cỡ bóc lịch hơn chục năm thì nhiều vô kể. “Đây chỉ là những con số thống kê sơ bộ do chúng tôi tự tìm hiểu, chứ khi tuyên án, Tòa không gửi cho địa phương biết số lượng bản án cũng như mức án của từng đối tượng”, ông Đoan cho biết.

Theo Trưởng Công an xã Ngọc Vân, vì lợi nhuận “siêu khủng” ma túy mang lại, nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để lao thân vào “cơm đen, bột trắng”. Ở làng ma túy Ngọc Vân, chuyện lĩnh án tử hình hay chung thân từ thế hệ cha ông đến con cháu không phải chuyện hiếm.

Ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân cho biết, năm 2012, Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) ban hành Kế hoạch 1781 nhằm giải quyết tình hình phức tạp về ma túy tại xã Ngọc Vân, điểm nóng này nay đã “nguội” đi nhiều.

Chính quyền và công an xã thường xuyên rà soát, lập danh sách cụ thể những đối tượng khả nghi, phân công cán bộ nắm bắt mọi di biến động của đối tượng, đồng thời, báo cáo cụ thể, rõ ràng tình hình lên cấp trên để có hướng đấu tranh. Thống kê cho thấy, số đối tượng bị bắt vì ma túy những năm gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2012 có 12 đối tượng; năm 2013, 2014 mỗi năm có 6 đối tượng; năm 2015 bắt 9 đối tượng, năm 2016 bắt 3 đối tượng và từ đầu năm 2017 đến nay bắt 5 đối tượng.

“Tại cuộc họp gần đây, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã có chỉ đạo sẽ đưa xã Ngọc Vân ra khỏi danh sách “điểm nóng” về ma túy trên cả nước. Đó là kết quả của một chặng đường dài đấu tranh chống “cái chết trắng” và cũng là bước đệm bắt đầu cho công cuộc xây dựng, phát triển đời sống, kinh tế cho bà con”, ông Khoát cho biết.

Theo ông Dương Ngô Khoát-Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân: "Hơn 20 năm công tác tại xã, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng có một ngày Ngọc Vân lại được huyện xét duyệt, thẩm định để đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chung quy cũng tại tệ nạn ma túy hoành hành. Giờ đây, mọi chuyện đã khác, khi tệ nạn ma túy đã bị đẩy lùi, xã Ngọc Vân đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới, 22/24 thôn dân cư đạt văn hóa, liên tiếp đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ."

Theo Trưởng Công an xã Ngọc Vân, hiện trên địa bàn xã xác định còn 35 đối tượng diện nghi vấn phạm tội ma túy, 15 đối tượng nghiện ma túy và 23 đối tượng nghi nghiện. Tất cả vẫn đang được theo dõi chặt chẽ. 

Hữu Tuấn (Báo Giao thông)

}
Top