Thừa Thiên Huế: Không khoan nhượng với tội phạm ma túy, không để 'nuôi lớn rồi mới đánh'
(Chinhphu.vn) - Chủ trương của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là tuyệt đối không khoan nhượng, không nương tay với loại tội phạm ma túy, kiên quyết “không để lớn rồi đánh, gặp lớn đánh lớn, gặp nhỏ đánh nhỏ, không “câu nhử”.
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đấu tranh mạnh, bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các đối tượng khai thác triệt để các tiện ích của mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram... để trao đổi mua bán, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để trốn tránh sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.
Tình hình mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm chưa có chiều hướng giảm. Năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 16 vụ việc về ma túy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó, khởi tố 39 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp/18 triệu đồng (phạt 01 chủ cơ sở 15 triệu; 2 đối tượng 3 triệu). So với năm 2021 phát hiện nhiều hơn 8 vụ việc, nhiều hơn 28 đối tượng).
Đáng chú ý, một số đối tượng ở tỉnh Quảng Trị câu kết với các đối tượng tại chỗ để đưa ma túy với số lượng lớn vào địa bàn tiêu thụ (phát hiện, xử lý hình sự 3 vụ, 3 đối tượng ở Quảng Trị, cấu kết với 8 đối tượng thường trú trên địa bàn tỉnh tàng trữ, vận chuyển trái phép hơn 2.140 viên ma túy tổng hợp (364,1 gam) vào địa bàn tiêu thụ).
Tuyến biên giới trên địa bàn huyện A Lưới phát hiện bắt xử lý hình sự 1 vụ, 5 đối tượng (ngoại tỉnh, người đồng bào) mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp với lượng lớn (1.987 viên Methaphetamine). Công tác quản lý người nghiện đang còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở cai nghiện quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận đối tượng nghiện ở ngoài xã hội (Cơ sở cai nghiện là Trung tâm bảo trợ xã hội không đáp ứng được cơ sở vật chất, thiếu phòng; cơ sở chỉ đáp ứng tiếp nhận đủ 40 đối tượng. Trong khi số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là 470 người) tâm thần, "ngáo đá" đang là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác.
Trong năm 2022, Công an tỉnh và lực lượng chức năng phát hiện, bắt 161 vụ, 266 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có vụ tang vật thu được hơn 5 kg ma túy. Mặc dù tang số ma túy thu được trong các vụ án so với các tỉnh ở phía Bắc là ít nhưng với một địa bàn vốn yên bình như Thừa Thiên- Huế thì đây là thực trạng rất lo ngại.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đấu tranh với tội phạm ma túy là một thách thức đối với lực lượng Công an. Đặc biệt là từ khi thay đổi chính sách pháp luật, người sử dụng ma túy không được xem là tội phạm mà là người bệnh, từ đó, dẫn đến tính răn đe đối với người sử dụng ma túy giảm đi rất nhiều.
Thời gian qua, chủ trương của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế là tuyệt đối không khoan nhượng, không nương tay với loại tội phạm này, kiên quyết "không để lớn rồi đánh, gặp lớn đánh lớn, gặp nhỏ đánh nhỏ,, không "câu nhử"…
Công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý hiện đang được lực lượng công an tỉnh thực hiện hiệu quả theo hướng chuyển dịch của loại tội phạm này. Theo đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành "Đề án chuyển hoá tình hình ma tuý tại địan bàn huyện A Lưới và tăng cường phòng ngừa ma tuý xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh".
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp với số lượng lớn từ ngoài vào địa phương; đồng thời chuyển hoá các địa bàn phức tạp về ma tuý tại địa phương cơ sở như: đường Trần Huy Liệu, TP.Huế…
Đặc biệt, không để tội phạm và tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp hơn, nổi bật là đã phá 2 chuyên án, bắt 2 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép 20.000 viên ma tuý tổng hợp; phát hiện, triệt xoá 16 điểm tổ chức, sử dụng trái phép chất ma tuý tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện…
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có hàng loạt chỉ đạo để tăng cường công tác phòng chống ma túy và cai nghiện. Trong đó, Kế hoạch số 48/KH-UBND phòng, chống ma tuý năm 2023 đặt một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, bản cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký thi đua giữ vững, chuyển hóa, xây dựng đơn vị không có ma túy. 100% cơ quan, đơn vị, trường học không có ma túy. 100% người sử dụng ma túy trái phép được lập hồ sơ quản lý, theo dõi và được rà soát, cập nhật thường xuyên; thực hiện các biện pháp xét nghiệm, lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện để lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc lập hồ sơ cai nghiện theo quy định. Không để tồn tại điểm, tụ điểm ma túy phức tạp kéo dài gây bức xúc trong quần chúng nhân dân…
Ngoài ra, tại Kế hoạch số 43/KH-UBND phòng, chống, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh năm 2023, tỉnh cũng phấn đấu đạt những chỉ tiêu như: 100% xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý. Tổ chức tư vấn, cai nghiện, điều trị nghiện 80-85% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các hình thức phù hợp. 100% người đã hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với các hình thức giáo dục, tư vấn, giám sát phù hợp...
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Đề án của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025"; công văn của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về thực hiện các Dự án thuộc Chương trình phòng chống ma túy...
Hoàng Giang