Thúc đẩy phong trào phổ biến K=K qua những sáng kiến của cộng đồng

28/11/2018 14:15

Nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), ngày 28/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Việt Nam) – PEPFAR Việt Nam tổ chức sự kiện “Không phát hiện = Không lây truyền”.

Sự kiện “Không phát hiện = Không lây truyền” được tổ chức với mục đích: Thúc đẩy phong trào phổ biến thông điệp K=K qua những sáng kiến của các nhóm trong cộng đồng và tôn vinh những sáng kiến đã đạt được của các nhóm dựa vào cộng đồng vừa qua; giới thiệu những công cụ và tài liệu truyền thông cho chương trình K=K; tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác giữa mạng lưới các chuyên gia, đại diện chính phủ và toàn thể cộng đồng.

 “Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng, một người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ.

Tải lượng virus không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa, một người HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Thông điệp làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người có HIV tuân thủ điều trị. Tuyên bố trên do cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ về AIDS  năm 2018.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực đánh giá chương trình và hệ thống Y tế hỗ trợ cho công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở Việt Nam”, Trường Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ cho 10 tổ chức cộng đồng tại TPHCM, Cần Thơ, Điện Biên và Hà Nội để thực hiện các sáng kiến của chính họ, nhằm truyền bá thông điệp K=K tới cộng đồng. Bằng nỗ lực của mình, các nhóm cộng đồng đã lên ý tưởng và triển khai các sáng kiến từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018.

Các gói hỗ trợ nhỏ hướng đến các đề xuất có thể đo lường được. Các sáng được kiến thực hiện với nội dung: Các chiến lược mang tính đổi mới, bao gồm việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để phổ biến thông điệp U=U/K=K trong các quần thể đích; các chương trình giáo dục/tập huấn về U=U/K=K cho các quần thể đích; các chiến lược truyền thông toàn diện về U=U/K=K cùng với các thông điệp sức khỏe khác như tuân thủ điều trị HIV, xét nghiệm tải lượng virus, PrEP/PEP…; đưa thông điệp U=U/K=K đến từng quần thể đích cụ thể như phụ nữ, bạn tình của người sử dụng ma túy HIV dương tính, nhóm trẻ,…

Tại sự kiện “Không phát hiện = Không lây truyền”,  BTC tôn vinh 2 tổ chức cộng đồng có hoạt động xuất sắc nhất trong phong trào quảng bá thông điệp K=K là nhóm AloBoy và nhóm Kết nối trẻ.

Nhóm Alo Boy đến từ TPHCM đã có hoạt động can thiệp cho đối tượng đích là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới và những người sống chung với HIV. Nhóm đã thực hiện những buổi truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông nhóm lớn để quảng bá về thông điệp K=K và buổi diễn thuyết với những CBO trong cộng đồng. Buổi diễn thuyết được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hơn 3.400 lượt xem và gần 200 lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều bạn trẻ trong nhóm đối tượng đích đã muốn đi xét nghiệm tải lượng ngay để ý thực được trong tuân thủ điều trị. “Sau khi xem buổi diễn thuyết, khoảng hơn 100 người đã nhắn tin vào fanpage của nhóm để hỏi về xét nghiệm HIV”, Nguyễn Minh Thuận - trưởng nhóm Aloboy cho biết.

Nhóm Kết nối trẻ hoạt động tại thành phố Bình Dương với đối tượng đích là nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới. Hoạt động truyền thông của nhóm là thực hiện 3 bộ ảnh và tổ chức cuộc thi The Pose nhằm mục đích quảng bá rộng rãi thông điệp K=K tới cộng đồng. Hoạt động đã thu hút được 241.591 người tiếp cận.

Một số hình ảnh tại sự kiện "Không phát hiện = Không lây truyền":

 Bàn truyền thông về thông điệp K=K. Ảnh: Thùy Chi

 Một người HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Ảnh: Thùy Chi

"Cây cảm xúc" để chia sẻ những cảm xúc, sự đồng cảm, những bí mật thầm kín... Ảnh: Thùy Chi

 Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ những suy nghĩ của mình để treo trên “Cây cảm xúc”. Ảnh: Thùy Chi

}
Top