Thực trạng và giải pháp chính sách về quyền của người chuyển giới
Người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp rất nhiều rủi ro về sức khỏe như thiếu thông tin về sử dụng hoocmon, sức khỏe tâm thần, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; đau đớn do phẫu thuật chuyển giới và nguy cơ suy giảm tuổi thọ đến 20 năm.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi
Chiều 3/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp chính sách về quyền của người chuyển giới”.
Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu và tham vấn chuyên gia, cộng đồng về thực trạng người chuyển giới, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam.
TS Phạm Nguyên Hà, thành viên nhóm nghiên cứu, thành viên hội đồng khoa học Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) cho biết, để đánh giá thực trạng người chuyển giới, kiến nghị chính sách góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, NGO-IC đã nghiên cứu, khảo sát các nguy cơ về sức khỏe với người chuyển giới: Trước và sau khi có các can thiệp về y học như điều trị nội tiết tố, phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Mục tiêu khảo sát là tìm hiểu những cảm nhận, trải nghiệm của những người đã và đang sử dụng nội tiết tố và đã có phẫu thuật chuyển đổi giới tính, qua đó mô tả lại những gì mà họ trải qua, cả niềm vui và nỗi buồn về những rủi ro sức khỏe, trên hành trình tìm lại giới tính mà mình mong muốn.
Khảo sát đã phỏng vấn và đặt 66 câu hỏi cho 150 người chuyển giới về các trải nghiệm sử dụng nội tiết tố và phẫu thuật tại Hà Nội, Nghệ An và TPHCM. Kết quả cho thấy, 141 người chuyển giới (134 nữ, 7 nam) đang sử dụng nội tiết tố, 33 người đã phẫu thuật: 18 cắt/cấy ngực, 2 phẫu thuật bộ phận sinh dục, 13 phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục.
Trong số 150 người chuyển giới, có 44,7% tốt nghiệp THPT, 18,4% cao đẳng và 19,1% tốt nghiệp đại học. Trong đó, 37% làm tự do, thời vụ; 37% tự kinh doanh; 15,6% còn lại là vừa đi học, vừa đi làm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, 150 chuyển giới trên có đến 64,6% khi bị tác dụng phụ do chuyển giới vẫn tiếp tục sử dụng các loại thuốc, hoocmon; 8% ngừng sử dụng và chỉ có 14,2% gặp bác sĩ khi gặp tác dụng phụ. Những người này, có 50% không được chăm sóc hậu phẫu, 25% chăm sóc không đầy đủ và chỉ 25% được chăm sóc đầy đủ.
TS Phạm Nguyên Hà kiến nghị, nhà nước sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính, để có cơ sở pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính một cách an toàn cho người chuyển giới ở Việt Nam.
TS Phạm Nguyên Hà khuyến cáo, người chuyển giới cần tìm hiểu thông tin một cách chính thống từ các cơ sở y tế và chuyên gia có đủ năng lực và được pháp luật thừa nhận, để có một quyết định đúng đắn trước khi sử dụng các can thiệp y học.
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới trong trường học, nơi làm việc và cơ sở y tế.
ThS. Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp rất nhiều rủi ro về sức khỏe như thiếu thông tin về sử dụng hoocmon, sức khỏe tâm thần, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; đau đớn do phẫu thuật chuyển giới và nguy cơ suy giảm tuổi thọ đến 20 năm.
Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính nhằm đáp ứng các nguyên tắc cơ bản như bảo đảm cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trên cơ sở tự nguyện của người đề nghị chuyển đổi giới tính; không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chuyển giới tính và gia đình họ; tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính; việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ pháp luật mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin.
Nếu Luật Chuyển giới được ban hành, người chuyển giới sẽ được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Họ được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật cá nhân và các quyền riêng tư khác; được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện; được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật.
Thùy Chi