Thuốc kháng HIV Aikening hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng
(Chinhphu.vn) - Kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc điều trị HIV/AIDS Aikening do Trung Quốc bào chế cho thấy loại thuốc này an toàn và hiệu quả trong phác đồ điều trị kết hợp được đơn giản hóa. Tỉ lệ điều trị thành công được xác định là 88%.
Aikening còn được gọi là thuốc tiêm albuvirtide (ABT) là một chất có tác dụng ức chế HIV lâu dài, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt vào năm 2018.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng loại thuốc này có thể được sử dụng để kết hợp với các loại thuốc kháng retrovirus khác nhằm điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Retrovirus là một loại virus RNA chèn một bản sao bộ gene của nó vào ADN của tế bào vật chủ mà nó xâm nhập, qua đó thay đổi bộ gene của tế bào đó.
Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 kéo dài 48 tuần cho thấy việc kết hợp ABT với một loại thuốc điều trị HIV khác là Kaletra đạt hiệu quả và độ an toàn không thua kém các liệu pháp hiện hành.
Công ty sinh học Frontier Biotech (có trụ sở tại Nam Ninh, Trung Quốc) - đơn vị bào chế thuốc ABT đã tiến hành thử nghiệm đối với 418 bệnh nhân HIV/AIDS ở nước này, vốn là những người đã từng sử dụng thuốc kháng virus nhưng không thể ức chế virus.
Sau khi sử dụng kết hợp ABT và Kaletra trong 4 tuần, 41% số người tham gia nhận thấy tải lượng virus trong huyết tương của họ thấp hơn 50 copy/ml (đơn vị định lượng virus trong máu) - điều này cho thấy virus HIV đã bị ức chế, trong khi 83% đã được điều trị hiệu quả vì khoảng 99% lượng virus HIV trong cơ thể họ đã bị ức chế. Sau 48 tuần điều trị, 76% số người tham gia đã không còn phát hiện virus HIV trong cơ thể, trong khi tỷ lệ điều trị thành công được xác định là 88%. Điều này cho thấy hiệu quả lâu dài của liệu pháp điều trị kết hợp giữa ABT và Kaletra.
Các thử nghiệm lâm sàng đối với ABT được bắt đầu triển khai từ năm 2013. Đây là thử nghiệm đầu tiên trên thế giới kết hợp giữa hai loại thuốc và là thử nghiệm đầu tiên được tiến hành cho tất cả người dân châu Á.
Ông Yao Cheng, Giám đốc y tế cấp cao của Frontier Biotech cho biết: "Protein vỏ bọc của virus HIV có thể kết hợp với màng tế bào của con người và đưa vật liệu di truyền của nó vào tế bào. Nhưng ABT có thể liên kết với protein vỏ bọc này trước khi hợp nhất với tế bào người, do đó ngăn chặn việc lây lan virus".
Ông Yao cho biết thêm, ABT cũng có thể liên kết với albumin - một loại protein của con người có trong huyết tương - để kéo dài thời gian tồn tại trong cơ thể, qua đó đạt hiệu quả kháng virus lâu dài khi được sử dụng hằng tuần.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, không có đột biến kháng thuốc nào được phát hiện ở virus HIV sau khi người bệnh áp dụng liệu pháp điều trị này trong 48 tuần.
Hiện Công ty sinh học Frontier Biotech đang nỗ lực phát triển các phác đồ kết hợp khác đối với ABT, nhằm có thêm nhiều sự lựa chọn trong công tác điều trị HIV/AIDS.
Thị trường thuốc kháng HIV toàn cầu đã tăng từ 22,9 tỷ USD trong năm 2013 lên 34 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lên 46,7 tỷ USD vào năm 2023.
Thùy Chi (theo Journal of Infection)