Thuốc tiêm định kì có thể ngăn chặn lây truyền HIV
Một nghiên cứu mới cho thấy rằng một mũi tiêm được tiêm mỗi 2 tháng/lần - thay vì một viên thuốc uống mỗi ngày - cũng có thể cho hiệu quả ngăn chặn lây truyền HIV. Mũi tiêm đó, dù chưa được FDA chấp thuận, nhưng có thể là một lựa chọn mới cho những người muốn bảo vệ bản thân khỏi HIV.
Thuốc tiêm 2 tháng/lần giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Ảnh minh họa
Năm 2012, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), một loại thuốc đột phá nếu dùng hàng ngày có hiệu quả lên đến 99% trong việc giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Và mũi tiêm định kì nói trên có thể có hiệu quả giống như thuốc PrEP.
Brandon Jackson, một người tham gia thử nghiệm mũi tiêm này cho biết: "Tôi nghĩ rằng nhiều người không muốn uống thuốc vì nó cản trở các hoạt động hàng ngày của họ hoặc vì họ không muốn có nhiều những chai thuốc đặt quanh nhà để mọi người nhìn thấy". Nếu không dùng hàng ngày, hiệu quả của thuốc này trong việc ngăn ngừa HIV sẽ giảm đáng kể.
Jackson cho biết, mọi người có nhiều lý do để không muốn uống thuốc hàng ngày. Các lí do này bao gồm việc quên uống thuốc, quên không mua thêm thuốc và sự kì thị của mọi người khi nhìn thấy thuốc điều trị HIV trong tủ thuốc.
Rất nhiều những người đang cố gắng tự bảo vệ mình khỏi HIV là nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Có thể sự hiện diện của một lọ thuốc chống HIV trong tủ thuốc của họ có thể gây nghi ngại cho bạn tình của họ. Nhiều người có thể cảm thấy mất tự nhiên khi ngày nào cũng phải uống thuốc, trong khi tiêm 2 tháng một lần có thể được thực hiện nhanh gọn ở bệnh viện.
Jackson đã tham gia vào một nghiên cứu có tên HPTN 083. Mục tiêu của thử nghiệm này là so sánh thuốc cabotegravir, được tiêm mỗi tám tuần, với một loại thuốc phòng ngừa HIV hàng ngày đã được FDA phê duyệt có tên là Truvada.
Nghiên cứu cho thấy, về tổng thể, việc tiêm thuốc có hiệu quả ít nhất bằng thuốc viên trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
"Việc tiêm thuốc dễ dàng hơn nhiều", Jackson nói. "Tôi có lẽ sẽ không thể uống thuốc hàng ngày. Các mũi tiêm tiện lợi hơn nhiều".
"Chúng tôi biết rằng PrEP có hiệu quả. Tuy nhiên, việc tuân thủ đúng lịch trình uống thuốc là rất khó khăn", TS Todd Ellerin, trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm tại South Shore Health cho biết. "Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là cải thiện một phương pháp đã có hiệu quả trước đó bằng cách làm mọi người dễ tuân thủ lịch trình dùng thuốc hơn”, TS Ellerin nhấn mạnh.
Nghiên cứu HPTN 083 bao gồm 4.570 nam giới ở 7 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nam Phi, Việt Nam và Argentina…
Những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào một trong 2 nhóm. Một nhóm được tiêm Cabotegravir sau mỗi 8 tuần và một loại thuốc uống được bất hoạt. Nhóm khác được dùng một thuốc tiêm bất hoạt và thuốc uống Truvada.
Cả hai loại thuốc này đều hoạt động bằng cách ngăn chặn virus HIV nhân lên trong cơ thể. Trong quá trình nghiên cứu, 50 người tham gia bị nhiễm HIV. Trong số 50 người tham gia mới bị nhiễm, 12 người đang được tiêm thuốc Cabotegravir và 38 người đang uống thuốc Truvada.
Dựa trên những kết quả này, rõ ràng Cabotegravir cũng hoạt động tốt - nếu không muốn nói là tốt hơn - thuốc Truvada hiện có. Các kết quả tích cực này đã được công bố trước công chúng sớm hơn dự kiến.
Hơn nữa, Kelley lưu ý rằng kết quả nghiên cứu rất hấp dẫn bởi vì tất cả những người tham gia là đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới hoặc phụ nữ chuyển giới có quan hệ tình dục với nam giới.
Theo thống kê từ chính phủ liên bang, người đồng tính nam và lưỡng tính người Mỹ gốc Phi và Latinh có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS mới cao nhất ở Hoa Kỳ.
Điều quan trọng, những người tham gia nghiên cứu là những nhóm dân cư đa dạng và đại diện cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV. 2/3 số người tham gia nghiên cứu dưới 30 tuổi, khoảng 12% là phụ nữ chuyển giới và một nửa được xác định là người da đen hoặc người Mỹ gốc Phi.
Ngoài ra, trong khi chờ phê duyệt của FDA, các chuyên gia HIV/AIDS và y tế công cộng vẫn lạc quan, nhưng cần thêm thông tin về chi phí của liệu trình mới này.