Tiếp nhận gần 4.500 người cai nghiện theo quy định mới

27/06/2022 16:47

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021.

Tiếp nhận gần 4.500 người cai nghiện theo quy định mới - Ảnh 1.

Việc thực hiện rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy được Bộ Công an quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất ngay từ cơ sở

Trong thời gian qua, công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo Bộ LĐTB&XH, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021; 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; đã tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.

Đặc biệt là đối với cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, những năm trước chỉ trên dưới 10 tỉnh thực hiện, đến nay, với việc thực hiện quy định mới, đã có 19 tỉnh thực hiện với 89 điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 2.000 người.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, kết quả trên cho thấy Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn để tạo tiền đề cho các địa phương làm tốt hơn công tác cai nghiện ma túy.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, sự vào cuộc của địa phương, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các Nghị định hướng dẫn đã nhanh chóng được triển khai và thực hiện cơ bản tại tất cả các địa phương.

Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho công tác cai nghiện

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, năm nay là năm đầu tiên chúng ta triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy những năm tiếp theo.

Việc rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo đó được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất ngay từ cơ sở, phản ánh tương đối chính xác thực trạng người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, là cơ sở để các ngành, các cấp và địa phương chỉ đạo triển khai giải pháp đấu tranh ngăn chặn nguồn cung; quản lý, giảm nguồn cầu ma túy và can thiệp, giảm tác hại của ma túy.

Trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là các quy định mới về công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai.

Đối tượng tuyên truyền tập trung vào số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người dễ bị tổn thương bởi tệ nạn ma túy để họ sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác xác định tình trạng nghiện, áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai theo quy định đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, coi trọng công tác phòng, ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, quản lý người sau cai nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị loạn thần, "ngáo đá" có khả năng gây ra các vụ phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý gắn với quản lý, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng có việc làm, thu nhập ổn định. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình cai nghiện ma túy hiệu quả tại địa bàn cơ sở.

Đặc biệt, cần ưu tiên đảm bảo nguồn lực cho công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện, nhất là đảm bảo kinh phí thực hiện; đảm bảo đáp ứng đủ cơ sở y tế, đội ngũ bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và cho các phòng y tế thuộc cơ sở cai nghiện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách các Bộ: LĐTB&XH, Y tế, Công an, Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các cấp ở địa phương cần tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá công tác cai nghiện; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định mới.

Phát huy vai trò của mỗi cá nhân, đặc biệt là gia đình, cơ quan, tổ chức, nơi công tác, làm việc (hoặc từng công tác, làm việc) của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong hỗ trợ thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Bởi họ là những người thân thiết nhất, gần gũi nhất có thể dễ cảm hóa, động viên, thuyết phục người nghiện, người sử dụng ma túy từ bỏ ma túy, tích cực tham gia các hình thức cai nghiện, điều trị nghiện ma túy phù hợp để có thể làm lại cuộc đời.

Hoàng Giang

}
Top