Tìm hiểu về lá Khát - lá cây gây nghiện

07/06/2016 10:00

Khat (hay Kat, Qat, Ghat hoặc Chat) là loài cây có hoa, sống tại vùng Sừng châu Phi và bán đảo Arab. Trong khi Canada, Đức, Anh, Mỹ cấm trồng, mua bán và tiêu thụ Khat thì tại các quốc gia như Djibouti, Ethiopia, Somalia, và Yemen các hoạt động liên quan đến chúng lại hợp pháp.

Bó lá Khat

Lá và búp cây Khat chứa cathinone, một loại chất kích thích giống như amphetamine, khiến người dùng phấn khích. Dần dần, người sử dụng phụ thuộc vào lá cây và hứng chịu những tác động tiêu cực về sức khỏe như táo bón, giãn đồng tử, tăng nhịp tim, huyết áp, trầm cảm, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, cathinone trong lá khat cũng dẫn tới một số trường hợp ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử…

Chỉ tính riêng ở khu vực Sừng châu Phi, khoảng 20 triệu người nhai lá cây Khat. Thâm canh cây Khat mang lại lợi nhuận cao. Đó là lý do vì sao 500.000 nông dân tại vùng Sừng châu Phi và bán đảo Arab trồng loại cây gây nghiện này.

Người sử dụng thường nhai lá tươi, lá khô, cuốn thành thuốc hút, pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn.

Những đứa trẻ học tập theo bố mẹ chúng và nhai lá Khat từ nhỏ. Từ đó, dẫn đến tình trạng nghiện, không một xu dính túi và không thể lao động. Đối với những người không chống nổi cơn điên loạn gây ra bởi Khat, một cuộc sống với chiếc xích sắt trong nhà đang chờ đợi.

Giá lá Khat là 0,5 đến 20 USD cho một bó, tùy thuộc vào chất lượng và độ tươi của lá. Hơn 25.000 kg lá Khat được bán ra mỗi ngày tại chợ Adaway của Ethiopia. Bất chấp những tác hại đối với sức khỏe mà cây Khat gây ra, người dân vẫn sản xuất, buôn bán chúng vì chúng mang lại giá trị kinh tế lớn.

Ở Ethiopia, nhiều phụ nữ quan niệm rằng nhai lá Khat giúp họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đàn ông. Vì vậy, nhiều phụ nữ tại đây cũng nhai lá Khat và lệ thuộc vào chúng. Khat tạo hưng phấn nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe. Vô số người không còn khả năng lao động, mất việc làm vì nghiện ngập.

Vì quy mô và lợi nhuận mà cây Khat mang đến, cấm sản xuất, mua bán và tàng trữ chúng là việc khó khăn. Đầu năm 2015, nước Anh đã ban hành lệnh cấm các hành vi liên quan đến Khat. Chính sách đó ảnh hưởng rất nhiều quốc gia xuất khẩu lá Khat sang Anh.

Ở Mỹ, Canada và hầu hết các nước châu Âu, khat được coi là chất cần kiểm soát đặc biệt, thậm chí được xếp cùng hạng với cocaine.

}
Top