Tìm lại chính mình…
Bao nhiêu lần cai nghiện là bấy nhiêu lần tái nghiện. Có những lúc tỉnh táo, nghĩ thấy thương ba mẹ, thương vợ con nên anh đã quyết tâm cai nghiện thành công.
Cứ vào đầu giờ sáng là anh Lê H. ở thành phố Thanh Hóa lại có mặt ở Cơ sở Điều trị methadone (nằm trong khuôn viên Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa) để uống methadone, sau đó lại tranh thủ đi làm.
Những ngày tháng ngập vùi trong ma tuý
Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu về điều trị Methadone, anh Lê H. đã vui vẻ nán lại chia sẻ: anh “dính” vào ma túy từ năm 1995. Lúc đầu cũng chỉ là “thử” một tý cho biết. Thế rồi thử một tý thấy “phê”, anh lại muốn thử tiếp… rồi “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” đã khiến anh lệ thuộc vào ma tuý đến nay đã ngót nghét 20 năm.
Điều trị nghiện bằng Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng |
Bao nhiêu lần cai nghiện là bấy nhiêu lần tái nghiện. Anh H. cho biết, những lúc tỉnh táo, nghĩ thấy thương cha mẹ, thương vợ con lắm nên anh đã rất quyết tâm cai, và anh cũng đã từng cai tại trung tâm, cai tại gia đình… Gia đình anh phải tới nơi cách biệt với môi trường nghiện ngập... tốn cả hàng trăm triệu đồng nhưng rồi anh vẫn chứng nào tật đó.
Đôi mắt anh nhìn về nơi xa xăm, anh H. chia sẻ, “những ngày tháng đó bệ rạc lắm, người gày đét, có lúc tôi chỉ còn chưa đầy 40 kg, da bọc xương, chân tay tím bầm các vết chích… Lúc đó người chẳng ra người, mà nhân cách cũng không còn. Lúc lên cơn nghiện thì bằng giá nào cũng phải có tiền để ‘chơi’. Có người đi buôn bán ma túy kiếm tiền, có người lấy tiền của gia đình. Hết tiền phải đi trộm cắp... Tôi là người nằm trong cả mấy trường hợp đó, vì ngày ít cũng phải “nướng” đến vài trăm ngàn đồng, nhiều lên đến bạc triệu. Lúc nào cũng phải dối trá bố mẹ, vợ, con. Tôi đã vắt kiệt niềm tin và sự mong mỏi của những người thân trong gia đình. Còn hàng xóm láng giềng họ cũng sợ nên luôn tìm cách xa lánh…”.
Và niềm vui đã trở lại
Nhìn một người nhanh nhẹn, to cao, nước da rám nắng, săn chắc, nếu không ai nói thì sẽ không thể biết anh đã từng là “kẻ thân tàn ma dại”, người lệ thuộc vào ma túy và hiện đang điều trị methadone.
Việc điều trị methadone đã giúp anh cải thiện sức khỏe và cuộc sống. Anh Lê H. chia sẻ, khi vào chương trình điều trị, uống methadone được 4 tháng, anh đã thấy sức khỏe có nhiều chuyển biến, lên cân, tinh thần thoải mái hơn.
Anh H. cho biết, khi “chơi” ma túy chỉ thỏa mãn được 4 tiếng là hết, sau đó là sự vật vã khủng khiếp nếu như không có “thuốc”, nhưng khi uống methadone thì không còn cảm giác khổ sở đó. Vì vậy, mà mới điều trị được vài tháng nhưng trong đầu anh đã không không còn nghĩ tới ma túy nữa, dửng dưng khi nhìn thấy các bạn “chơi” và dần tìm lại được phần “người” của mình, bắt đầu nghĩ tới công việc để kiếm tiền nuôi mình và gia đình.
Lúc đầu mọi người trong gia đình không tin vào sự thay đổi này, “vì trước đây bao lần tôi hứa là bấy nhiều lần tôi làm họ thất vọng, nhưng bằng việc làm cụ thể, dần tôi đã lấy được niềm tin nơi họ và cộng đồng… Không còn chích nữa, vừa tiết kiệm được tiền cho vợ, con lại không phải vướng vào con đường trộm cắp mà trong túi vẫn rủng rỉnh”, anh H. cho hay.
Hiện nhà anh H. cho thuê đồ đám cưới, còn anh thì lái xe nên công việc cũng rất bận rộn. Bây giờ, ở tuổi 50, đầu hai thứ tóc anh mới tìm lại được chính mình, nên anh rất phấn khởi và tuân thủ điều trị. Hàng ngày, bất kể ngày lễ, tết anh đều đến uống thuốc đều đặn. Thấy được lợi ích của việc điều trị methadone, anh còn giới thiệu cho những người nghiện ở xóm anh tiếp cận với chương trình này.
BS.ThS Hoàng Bình Yên, trưởng Cơ sở Điều trị methadone của tỉnh cho biết, chương trình methadone được triển khai thí điểm tại Thanh Hóa từ tháng 5/2011 với chỉ tiêu là 400 bệnh nhân. Qua khảo sát, theo dõi quá trình điều trị sau hơn 1 năm cho thấy, chương trình đã đưa lại nhiều tín hiệu mừng. Đa số bệnh nhân được cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh thông thường giảm từ 8,6% sau 3 tháng điều trị xuống còn 2,3% sau 12 tháng. Bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm giảm từ 75% trước điều trị xuống còn 5% sau 12 tháng điều trị. Cân nặng trung bình tăng từ 1-14 kg.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tự đánh giá chất lượng cuộc sống của mình theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy, trước điều trị 64,6% cho rằng chất lượng cuộc sống là kém; 25,4% bệnh nhân cho chất lượng cuộc sống của mình là trung bình thì sau 12 tháng điều trị chỉ còn 28% bệnh nhân cho rằng chất lượng cuộc sống của mình là trung bình; 72% bệnh nhân cho rằng, có chất lượng cuộc sống là tốt.