Tình hình ma túy tiểu vùng sông Mekong diễn biến phức tạp, khó lường

07/10/2021 14:18

(Chinhphu.vn) - Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, năm 2020, khối lượng heroin khu vực Đông và Đông Nam Á thu giữ lên tới 11 tấn, trong đó 6 nước Tiểu vùng thu giữ được chiếm 85%. Khối lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ là 170 tấn, trong đó riêng Myanmar, Lào, Thái Lan, Camphuchia, Việt Nam khối lượng thu giữ chiếm tới 71%...

 Cảnh sát Myanmar thu giữ lượng ma tuý và tiền chất lớn vào tháng 4/2020 tại bang Shan miền bắc đất nước

Vừa qua, Hội nghị Quan chức cấp cao (SOC) các nước thành viên bản Thỏa thuận năm 1993 về hợp tác phòng, chống ma túy (gọi tắt là Hội nghị MOU) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có sự tham dự của gần 90 đại biểu đại diện cơ quan phòng chống ma túy 6 nước Tiểu vùng sông Mekong gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

Theo báo cáo của UNODC, tình hình ma túy khu vực Tiểu vùng sông Mekong tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Mặc dù từ năm 2014, diện tích trồng cây thuốc phiện đã giảm từ 59.000 ha xuống còn 29.500 ha năm 2020, tuy nhiên số lượng heroin và ma túy tổng hợp thu giữ được vẫn gia tăng. Năm 2020, khối lượng heroin khu vực Đông và Đông Nam Á thu giữ lên tới 11 tấn, trong đó số lượng heroin 6 nước Tiểu vùng thu giữ được chiếm 85%. Khối lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ là 170 tấn, trong đó riêng Mianma, Lào, Thái Lan, Camphuchia, Việt Nam khối lượng thu giữ chiếm tới 71%.

Tại Trung Quốc, ma túy tổng hợp dạng tinh thể thu giữ giảm, trong khi đó lượng ma túy tổng hợp dạng viên bị thu giữ ở mức cao, trung bình 130 triệu viên/năm. Tại Myanmar lượng ma túy bị bắt giữ tăng theo từng năm chủ yếu ở bang Shan, tiếp giáp với Trung Quốc. UNODC đánh giá nguồn ma túy, tiền chất mua bán, vận chuyển trái phép qua Lào ngày càng tăng. Từ năm 2019 - 2020, số vụ bắt giữ ma túy tổng hợp tại các tỉnh của Lào tiếp giáp với khu vực phía Bắc Thái Lan đã tăng từ 266 kg lên tới 5,7 tấn, bắt giữ tiền chất cũng tăng từ 19 tấn lên 120 tấn.

Do tác động của tình hình dịch bệnh COVID- 19, các tổ chức tội phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Đặc biệt xuất hiện xu hướng gia tăng hoạt động mua bán, tái chế ma túy tổng hợp có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng ở Campuchia sau đó vận chuyển sang các nước trong khu vực bằng đường biển, đường biên giới trên bộ.

Các nước Tiểu vùng cũng đang phải đối mặt với tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều chất hướng thần mới (NPS) và chất hóa học không nằm trong danh mục kiểm soát dễ bị lợi dụng để sản xuất trái phép ma túy. Nguồn ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, gần đây các nước đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy có quy mô lớn. Điển hình, tháng 6/2021, cảnh sát Myanmar bắt giữ 1.710 kg ma túy tổng hợp, hay cảnh sát Lào bắt giữ gần 17 triệu viên ma túy tổng hợp trong tháng 7/2021. Do nguồn cung lớn, nên ma túy tổng hợp có độ tinh khiết ở mức cao trong khi giá bán giảm.

Tại Hội nghị, các nước đã tiến hành thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả phòng chống ma túy trong thời gian tới. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai tăng cường hợp tác song phương, đa phương giữa các nước thành viên Bản thỏa thuận MOU 1993 và các đối tác ngoài khu vực, đồng thời thúc đẩy cơ chế này hoạt động hiệu quả hơn.

Các nước cũng cần tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra chung liên quan đến tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, kiểm soát chặn chẽ hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm ngăn chặn nguồn tiền chất, hóa chất từ các nước thành viên vào khu vực Tam giác vàng để sản xuất ma túy.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO), UNODC dự kiến phối hợp với các nước sử dụng mạng lưới các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) trong cơ chế trao đổi thông tin và nâng cao năng lực để hỗ trợ tiến hành chiến dịch cao điểm về phòng chống ma túy trong tiểu vùng sau khi dịch bệnh COVID - 19 được kiểm soát, biên giới các nước mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng chuyên trách phòng chống ma túy các nước thành viên thông qua tổ chức tập huấn, tài trợ trang thiết bị, phương tiện, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc phân tích nước thải, giám sát sử dụng điện, nước sinh hoạt để kịp thời phát hiện, triệt phá cơ sở sản xuất ma túy trái phép. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để kịp thời ứng phó với diễn biến, thách thức mới của tình hình ma túy...

}
Top