Tổ chức nhiều phiên tòa giả định để tuyên truyền phòng, chống ma túy
(Chinhphu.vn) - Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa giả định đã giúp người dân hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về ma túy, hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.
Tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật
Vừa qua, Quận Đoàn Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) đã phối hợp Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân quận tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về ma túy tại trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 dưới hình thức "phiên tòa giả định".
Phiên tòa được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự về tội "Tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy". Hàng trăm sinh viên cùng các thầy cô giáo dự phiên tòa được chứng kiến các phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án. Sau khi kết thúc phiên tòa, người tham dự được trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án. Qua đó, giúp các bạn trẻ củng cố kiến thức pháp luật liên quan đến tội danh được xét xử.
Ghi nhận nhiều ý kiến sinh viên tại "phiên tòa giả định" cho thấy, thay vì tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, phiên tòa giả định đã nêu lên những tình tiết chân thật, cụ thể giúp đoàn viên, thanh niên dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật.
Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình cho biết, thời gian qua quận Liên Chiểu xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội, lồng ghép các buổi sinh hoạt Đoàn và đặc biệt tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường học. Thông qua các hoạt động này, giúp đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên tiếp cận pháp luật một cách trực quan, sinh động để hiểu thêm về pháp luật. Theo anh Bình, hằng năm, UBND quận cấp kinh phí hoạt động và giao các đơn vị liên quan phối hợp với Quận Đoàn tổ chức.
Theo đó, Quận Đoàn triển khai xuống các chi đoàn của 3 cơ quan tố tụng và các cơ sở Đoàn trực thuộc chủ động phối hợp chuẩn bị nội dung, các điều kiện tổ chức; chủ đề linh động thay đổi theo tính chất tệ nạn xã hội xảy ra ở khu dân cư. Chẳng hạn, ở địa bàn dân cư nào xảy ra trộm cắp, cướp giật thì tổ chức phiên tòa liên quan tệ nạn này để người dân cảnh giác.
Trường học thường xảy ra bạo lực học đường thì mở phiên tòa về bạo lực học đường. Kịch bản của các phiên tòa giả định do đoàn viên Tòa án, Viện Kiểm sát biên soạn dựa trên các vụ án có thật xảy ra trên địa bàn quận. "Để nâng cao hiệu quả tuyền truyền giáo dục pháp luật, thời gian đến, Quận Đoàn Liên Chiểu tiếp tục thực hiện tuyên truyền pháp luật bằng hình phức phiên tòa giả định tại các trường THCS trên địa bàn. Theo đó, sẽ phối hợp Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân quận xây dựng tình tiết, nội dung phù hợp lứa tuổi của các em", anh Bình cho hay.
Có thể thấy, cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh - thiếu niên trong tình hình hiện nay.
Chiều qua (30/8), Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy cho trên 400 đoàn viên, thanh niên. Kịch bản phiên tòa giả định được Ban tổ chức xây dựng dựa trên vụ án có thật là một nhóm thanh niên mua ma túy và thuê phòng nghỉ tổ chức sử dụng ma túy tập thể. Sau đó, bị Tổ công tác Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công an thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ toàn bộ tang vật và mời các đối tượng về trụ sở Công an tỉnh Tuyên Quang để làm việc.
Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa giả định đã giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về ma túy, hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.
Nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân
Theo cơ quan chức năng, phiên tòa giả định được tái hiện như một vụ án có thật với các tình tiết lôi cuốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, các tầng lớp thanh niên, học sinh trong xã hội và nhà trường.
Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp người dân, các đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.
Sau mỗi phiên tòa kết thúc, sự hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên và các thanh thiếu niên, học sinh được tham gia trò chơi dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm về các tình huống trong vụ án và hiểu biết về phòng, chống ma túy. Qua đó, đã "mềm hóa" những quy định của pháp luật về phòng chống ma túy học đường, nâng cao nhận thức, ý thức của các bạn học sinh trong việc "nói không với ma túy và tệ nạn xã hội", đưa đến cho người dân và các thanh thiếu niên, học sinh cách tiếp cận mới về các hành vi vi phạm và những thủ đoạn tinh vi của các tội phạm liên quan đến tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và và hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm.
Có thể khẳng định, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định được xem là một cách làm đổi mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân, đoàn viên, thanh niên. Thông qua hoạt động nhằm giáo dục cho người dân, đoàn viên, thanh niên về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.
Vĩnh Hoàng