Tội phạm châu Á sản xuất ma túy tổng hợp từ nhiều tiền chất mới
Tháng 7/2020, tại Lào, một container chứa 72 tấn propionyl clorua đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Bởi propionyl clorua - một hóa chất không nằm trong danh mục cấm của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) nhưng có thể sử dụng để chế tạo ra ma túy tổng hợp - và điểm đến cuối cùng của nó là một vùng thuộc miền Bắc Myanmar, nổi tiếng là một nơi sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô công nghiệp.
Container chứa 72 tấn propionyl clorua bị bắt giữ ở Lào
Bên mua lô hàng nói trên là một nhà môi giới có trụ sở tại địa bàn do Quân đội bang Wa hợp nhất, một lực lượng dân quân ở Myanmar đã bị cáo buộc tạo thu nhập bất chính từ việc bán ma túy trong nhiều năm qua kiểm soát.
Hành trình di chuyển của lô hàng này cũng bất thường. Ban đầu, container propionyl clorua được vận chuyển bằng tàu thủy, đi từ Giang Tô - một một tỉnh ven biển của Trung Quốc, phía Bắc Thượng Hải - đến thành phố cảng Laem Chabang của Thái Lan, gần Bangkok. Từ đây, lượng hóa chất này lại được vận chuyển ngược lên phía Bắc Thái Lan bằng đường bộ để đến huyện Huay Xai của Lào - nơi được ngăn cách với Thái Lan bởi sông Mê Kông.
Khi phát hiện ra lô hàng nói trên, các nhà chức trách Lào đã quyết định gọi cho ông Jeremy Douglas - đại diện khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) để xin ý kiến.
Ông Douglas đã rất ngạc nhiên và kêu gọi các lực lượng chức năng Lào thu giữ lô hàng này, vì ông biết rằng propionyl clorua có thể được sử dụng để sản xuất fentanyl, một loại ma túy tổng hợp mạnh và nguy hiểm vốn đã tàn phá nước Mỹ trong những năm gần đây, và ephedrine, một thành phần chính trong methamphetamine (ma túy đá).
Sở dĩ propionyl clorua không có trong danh sách cấm của INCB vì nó có nhiều mục đích sử dụng hợp pháp khác, chẳng hạn như sản xuất hóa chất nông nghiệp và dược phẩm. Tuy nhiên, INCB khuyến nghị các quốc gia nên “giám sát đặc biệt” hóa chất này.
Cho đến tháng 4 năm nay, thông tin về vụ việc mới được chuyên gia Douglas và các nhà chức trách Thái Lan tiết lộ tại một hội nghị trực tuyến do Ủy ban Ma túy toàn cầu của Liên Hợp Quốc tổ chức. Theo đó, nhà chức trách Lào đã nắm giữ bằng chứng cho thấy các ông trùm đứng sau ngành công nghiệp ma túy tổng hợp trị giá hàng tỷ USD của châu Á đã qua mặt lực lượng an ninh của sông Mekong như thế nào. Đó là thủ đoạn sử dụng nhiều loại hóa chất không nằm trong danh sách bị kiểm soát để tạo ra ma túy tổng hợp.
Theo dữ liệu sơ bộ của UNODC, trong năm 2020, các nhà chức trách ở các nước Đông Á và Đông Nam Á đã thu giữ 175 tấn ma túy, một kỷ lục mới bất bất chấp đại dịch COVID-19. Trong khi số lượng bắt giữ ephedrine, pseudoephedrine và phenyl-2-propanone (P2P) - những hóa chất phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất ma túy đá - thì lại không đáng kể, chỉ khoảng 600kg ephedrine và 10 triệu viên pseudoephedrine.
Việc sử dụng ngày càng nhiều tiền chất mới là một thách thức quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy hiện nay
Điều đó khiến các chuyên gia đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào mà ma túy tổng hợp được tạo ra?
Các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng, các băng đảng ma túy đang nhập khẩu các hóa chất như propionyl clorua và sử dụng các nhà hóa học hàng đầu thế giới để chế tạo ra các thành phần đặc biệt phục vụ cho việc sản xuất ma túy. Trong bối cảnh các tiền chất ma túy bị kiểm soát chặt chẽ, các tập đoàn tội phạm có tổ chức trong khu vực đang tìm đến các loại tiền chất mới.
Một số tiền chất như propionyl clorua có công dụng hóa học hợp pháp nhưng nó có thể bị lợi dụng để tạo ra chất ma túy. Chuyên gia Douglas cho biết, nhà chức trách khu vực sông Mekong đã thu nhiều loại tiền chất khác nhau nhưng khối lượng đáng kinh ngạc của propionyl clorua bị thu giữ ở Lào là câu trả lời cho nghi ngờ bấy lâu nay: Các tập đoàn sản xuất trái phép ma túy đang sử dụng quy trình này, cụ thể là tiền chất propionyl clorua.
Cuối năm 2019, các nước Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam đã triển khai một chương trình chia sẻ thông tin tình báo, có tên Chiến dịch Tam giác vàng 1511 nhằm chống tội phạm buôn bán ma túy và tiền chất qua biên giới chung.
Từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2020, các đội đặc nhiệm đã bắt giữ hơn 16.000 người, thu giữ gần 450 triệu viên ma túy đá, hơn 34.000kg ma túy tổng hợp và hơn 1 triệu kg tiền chất, theo báo cáo của các quan chức Thái Lan tại Hội đồng LHQ.
Ông Paisit Sangkahapong, Phó Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Kiểm soát Ma túy Thái Lan (ONCB) cho biết: “Từ số liệu thống kê của chúng tôi, Chiến dịch 1511 đã có thể bắt giữ rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiền chất khác lọt qua các trạm kiểm soát đến khu vực Tam giác vàng. Đây là điều mà chúng tôi phải nỗ lực hơn”.
Tiền chất là một vấn đề toàn cầu. Việc sử dụng ngày càng nhiều tiền chất mới là một thách thức quan trọng trong công cuộc chống ma túy hiện nay. Những vấn đề này nghiêm trọng hơn ở châu Á vì các trung tâm sản xuất ma túy bất hợp pháp ở Tam giác vàng nằm giữa 2 nhà sản xuất hóa chất và dược phẩm lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Douglas cho biết: “Mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và ma túy tổng hợp ở châu Á là không thể phủ nhận.