TPHCM: Cần tăng cường tìm ra F0 để ngăn ngừa nguồn lây ra cộng đồng

29/04/2021 17:22

(Chinhphu.vn) - Để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2020 với 3 mục tiêu “90-90-90”, TPHCM cần phải mở rộng các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS và tăng cường tìm các ca mới như trong cách phòng chống dịch bệnh, truy vết và tìm ra F0 để ngăn ngừa nguồn lây ra cộng đồng.

 

Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV và hành vi phạm pháp. Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc tìm ra được F0 sẽ giúp cho người bệnh tiếp cận điều trị sớm. Đối với bệnh nhân HIV/AIDS nếu được tiếp cận điều trị sớm sẽ cải thiện được sức khỏe và sống thêm đến 50 năm.

Bên cạnh việc mở rộng các dịch vụ phòng, chống, cần đẩy mạnh các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xử. Bảo đảm thông tin của người nhiễm không bị lộ ra ngoài để người nhiễm tự tin tham gia công tác phòng chống AIDS và đưa ra các hoạt động cho nhóm có nguy cơ cao để phòng ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục duy trì và mở rộng các biện pháp dự phòng và phát huy hiệu quả các điều trị dự phòng như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP. Đây là hoạt động quan trọng mà TPHCM đã đề ra trong giai đoạn 2020-2030.

Đối với nhóm nguy cơ cao, cần mở rộng các biện pháp can thiệp, giảm hại như tư vấn, xét nghiệm, điều trị. Cần truy vết các trường hợp điều trị thất bại và bỏ trị, khoanh vùng, đưa những đối tượng này vào điều trị lại và đổi phác đồ điều trị để ức chế tỷ lệ nhiễm.

Theo số liệu thống kê, kể từ trường hợp người nhiễm HIV đầu tiên tại TPHCM vào năm 1990, cho đến nay cả nước có hơn 320.000 người nhiễm HIV trong đó có 107.000 người nhiễm HIV đã mất do AIDS.

Trong số người nhiễm HIV được báo cáo, TPHCM là thành phố có số ca nhiễm HIV cao nhất nước. Ước tính khoảng 5.000 người nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng, trong đó có 30% số người có tải lượng virus cao. Mỗi năm phát hiện người nhiễm mới HIV khoảng 5.500 người. Nguồn lây nhiễm tập trung trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Nếu năm 2010, nhóm này có tỷ lệ 1,7% thì trong vòng 6 tháng qua đã tăng lên 84%.

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua TPHCM đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng chống AIDS, đặc biệt là sự tham gia của người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao đồng hành suốt 30 năm qua.

TPHCM cũng là địa phương luôn đi tiên phong trong các sáng kiến cung cấp các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ kể cả kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế và đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Hiện địa phương đã giảm được nguồn lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy thông qua các chương trình bơm phân phát kim tiêm, điều trị thay thế bằng Methadone. Ngoài ra, nhóm phụ nữ bán dâm giảm lây nhiễm mới cũng giảm đáng kể. Hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV của TPHCM sẽ góp phần không nhỏ vào những thành công lớn của cả nước trong công tác này.
Top