TPHCM: Tăng cường hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người
(Chinhphu.vn) - Với địa bàn rộng, phức tạp nên các nhóm tội phạm đã chọn TPHCM là nơi tập kết, trung chuyển mua bán người bằng nhiều hình thức, thủ đoạn rất tinh vi.
TPHCM có mật độ dân số cao và số người nhập cư khá đông từ các tỉnh, thành phố khác đến tìm việc làm và mưu sinh, lập nghiệp; đồng thời là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế với nhiều bến xe, bến tàu, cảng biển và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này khiến cho tình hình mua bán người trên địa bàn Thành phố có nhiều diễn biến phức tạp.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phối hợp tiếp nhận và xác minh 56 trường hợp nạn nhân bị mua bán, trong đó lực lượng Công an triệt phá 2 vụ mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa, bắt 16 đối tượng, giải cứu 52 nạn nhân; bắt 01 vụ mua bán người ra nước ngoài, bắt 3 đối tượng, giải cứu 01 nạn nhân (do cơ quan chức năng Campuchia trao trả).
Sở Ngoại vụ đã tiếp nhận, xác minh và giải quyết 114 trường hợp bảo hộ công dân với 95 đơn đề nghị giúp đỡ thân nhân ở nước ngoài, đây là những trường hợp công dân Việt Nam nghi là nạn nhân bị mua bán gặp khó khăn như bị mất tích, bị giam giữ, bị bạo hành, mất liên lạc với gia đình...
Trong đó, có 32/114 trường hợp, chiếm tỷ lệ 22% (đa phần là nam giới) cư trú tại TPHCM bị dụ dỗ/bị lừa bán và cưỡng bức lao động ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Campuchia, Trung Quốc..., chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số vụ việc.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tiếp nhận và hỗ trợ 9 nạn nhân là trẻ sơ sinh tại Phường 2, quận Tân Bình, đồng thời kịp thời đưa các bé đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với tổng kinh phí 2 triệu đồng và chủ động liên hệ mượn phòng học có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất tại Trường Mầm Non quận Tân Bình để các bé ở tạm và phân công cán bộ Hội chăm sóc trong thời gian Công an tiến hành điều tra và các ngành chức năng thực hiện hồ sơ đưa các bé vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Trung tâm Công tác xã hội Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên Thành phố tiếp nhận 2 vụ với 10 trẻ em. Trong đó, có 01 nữ 12 tuổi (địa chỉ ở TP. Vũng Tàu) bị dụ dỗ đưa qua Campuchia bán dâm, đang mang thai khoảng 01 tháng.
Trung tâm đã tư vấn cho gia đình đến cơ sở y tế thăm khám cũng như cách quan tâm chăm sóc sức khỏe hiện để đảm bản an toàn cho mẹ và bé. Đồng thời hướng dẫn gia đình trình báo công an và chính quyền địa phương được hưởng chế dộ hỗ trợ giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận nhóm 9 trẻ (6 nam, 3 nữ) dưới 6 tháng tuổi trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn xảy ra tại 32 tỉnh phía Nam do Công an Thành phố điều tra. Hiện 7 trẻ đã gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Trẻ em Tam Bình; 01 trẻ được gửi vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp; 01 trẻ đã được gia đình đón về nhà...
Phối hợp liên ngành tuyên truyền pháp luật phòng chống mua bán người
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở LĐTB&XH TPHCM đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức 4.024 buổi tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thông qua các hình thức đa dạng, phong phú như: :ồng ghép qua các buổi họp tổ dân phố, các buổi tọa đàm; treo panô, áp phích, băng rôn; phát hành tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về phòng chống mua bán người...
Đặc biệt, Sở LĐTB&XH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên các phương tiện truyền thông như Fanpage, Youtube, Website...; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người, phòng chống tội phạm, xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đồng thời, Hội Phụ nữ còn kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện vấn đề, kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc có liên quan, chủ động phát hiện và báo tin, tố giác tội phạm mua bán người.
Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa và Thể thao; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng... đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong quần chúng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân cảnh giác, phòng ngừa, tham gia phòng, chống tội phạm có hiệu quả tại địa bàn cơ sở.
Chú trọng các mô hình hỗ trợ nạn nhân
Trong thời gian tới, trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, các cấp, các ngành của TPHCM tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Sở LĐTB&XH, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng và Sở Ngoại vụ. Đẩy mạnh các hoạt động về phòng ngừa và phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, mua bán người gắn với thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Lực lượng Công an Thành phố tiếp tục làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, kiểm tra đăng ký tạm trú, lưu trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà trọ, hộ gia đình, khu vực dân cư phức tạp, trung tâm lao động, khu công nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm… nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn xử lý các hành vi liên quan đến mua bán người.
Ngành LĐTB&XH cập nhật, trao đổi thông tin kịp thời và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động liên hệ, tiếp cận và thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân khi cần thiết.
Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội đảm bảo cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, đội nhóm tại các cơ sở như Lá chắn, Đồng cảm, Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, Tổ tư vấn cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề xã hội, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống mua bán người.
Nhân rộng các mô hình truyền thông hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để nạn nhân bị mua bán được tham gia các chương trình hỗ trợ vay vốn ở địa phương, tạo việc làm để nạn nhân và gia đình ổn định cuộc sống, phòng ngừa bị tái mua bán.
Như Ngọc