Trà Vinh: Tăng cường vận động cai nghiện ma túy tự nguyện
Trong những năm gần đây, tình hình liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn có sự biến động gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới. Điển hình trong năm 2020, số lượng người liên quan đến ma túy nhiều hơn 301 người so với năm 2019, số vụ phạm tội bị bắt, xử lý cũng nhiều hơn 37 vụ và khối lượng ma túy thu được cũng nhiều hơn năm 2019.
Số lượng người tham gia các tệ nạn và tội phạm về ma túy đa phần là ở tầng lớp thanh thiếu niên, chiếm gần 70%, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại địa phương, làm suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người...
Trong khi đó, ý thức của mỗi người dân về phòng, chống ma túy từng lúc, từng nơi chưa cao, nhất là vấn đề đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện.
Trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đưa 95 người vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc, không có trường hợp đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Khác với thời gian cai nghiện bắt buộc (theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP và Nghị định 136/2016/NĐ-CP) là từ 12 đến 24 tháng; hình thức cai nghiện tự nguyện (theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP và Nghị định 80/2018/NĐ-CP) có thời gian tối thiểu là 6 tháng, bao gồm các việc cụ thể như: điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe; giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện. Trong đó thời gian điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và phục hồi sức khỏe tối thiểu là 20 ngày.
Có nhiều người băn khoăn về hiệu quả cai nghiện của mô hình cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, việc cai nghiện bắt buộc thì thực sự không chủ động cho người nghiện mà là ép buộc nên tâm lý khi đi cai không thoải mái mọi mặt như khi đi cai nghiện tự nguyện. Động lực thực sự của mỗi người nghiện là làm thế nào để vào cai tại Cơ sở cai nghiện tối thiểu 06 tháng khi trở lại xã hội sẽ từ bỏ được ma túy.
Với tâm lý thoải mái, quyết tâm của người nghiện khi lựa chọn đi cai nghiện tự nguyện chính là “chìa khóa” quyết định đến hiệu quả của công tác cai nghiện. Chương trình cai nghiện tự nguyện cũng được cải thiện phù hợp với mong muốn của học viên khi thời gian thăm gặp gia đình linh hoạt, rất ít thời gian cho lao động sản xuất để tăng thời gian hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, giải trí…
Đồng thời, tại Nghị quyết số 100/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh cũng đã đưa ra mức hỗ trợ đối với người đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện từ 30 ngày trở lên, cụ thể như sau: Hỗ trợ 100% tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, được hỗ trợ chỗ ở trong thời gian cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện; hỗ trợ 100% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của Bác sĩ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS); hỗ trợ 100% chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường; hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện giống như đối với người cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, nếu như trước đây việc cai nghiện tự nguyện phải đóng phí từ 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng; thì hiện nay, nếu người nghiện cai nghiện tự nguyện từ 30 ngày trở lên tại cơ sở cai nghiện sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 100% chi phí cai nghiện.
Hiện nay, việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc còn hạn chế do phải thực hiện nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật, thì xu hướng vận động cai nghiện tự nguyện đang là một yêu cầu cấp bách và mang lại hiệu quả cao ở thời điểm hiện nay.
Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của tất cả mọi người dân, các cấp, các ngành đoàn thể, với các hình thức cụ thể như: tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy, đẩy mạnh các hoạt động của tổ chức đoàn, hội trong việc tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phát động phong trào tố giác tội phạm và tệ nạn về ma túy… nhằm kịp thời phát hiện và kiểm soát chặt chẽ tình hình liên quan đến ma túy trong cộng đồng.
Qua đó, vận động người nghiện tự nguyện đăng ký tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời tuyên truyền đến các bậc phụ huynh có con em sử dụng trái phép chất ma túy về điều kiện đăng ký cai nghiện tự nguyện, ở đó người nghiện ma túy không những được chăm sóc, đối xử như bệnh nhân, mà còn được hỗ trợ kinh phí, giáo dục tâm lý, lối sống lành mạnh và tư vấn việc làm; cố gắng khơi dậy cho người nghiện sự mong muốn được cai nghiện và điều trị.
Vĩnh Hoàng