Trẻ em có nguy cơ bị bạo hành cao hơn trong thời gian giãn cách

19/09/2021 18:06

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho biết khi cha mẹ đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, trẻ em có nguy cơ cao hơn trong việc bị bạo hành về thể xác và tinh thần.

Cơ thể bé H.A. xuất hiện nhiều thương tích. Ảnh: H.N.

Ngày 30/3/2020, bé gái N.N.M.M. (sinh năm 2017, ở huyện Đông Anh) qua đời sau khi bị mẹ và cha dượng đánh đập, bạo hành liên tục trong 2 ngày.

Đến ngày 25/1/2021, N.H.B. (12 tuổi, ở quận Hà Đông) được người thân phát hiện phải sống trong cảnh bị người tình của mẹ xâm hại tình dục trong suốt 8 tháng. Mẹ của B. phát hiện vụ việc nhưng lại đánh đập con gái thay vì giải cứu. Mới đây, bé gái L.H.A. (6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) đã tử vong sau với nhiều vết thương trên cơ thể. Bố cháu bé là ông Lê Thành Công thừa nhận đã đánh con ở nhà.

Chia sẻ với Zing, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nhận định tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang rất báo động khi tính chất các vụ việc càng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em. Ảnh: Hải Nam.

Nhiều phụ huynh cho mình quyền được sử dụng vũ lực

“Rất xót xa”, bà Hồng nói về cái chết của bé L.H.A. Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng bản thân A. đã phải nhận thiệt thòi lớn khi cột mốc quan trọng của cuộc đời là buổi lễ khai giảng lớp 1 không được diễn ra như bình thường.

“Cháu bé khai giảng qua màn hình tivi, không được gặp bạn, không được thầy cô chào đón, không được đến lớp. Vậy mà chỉ sau vài ngày bước vào năm học mới, cháu bé đã phải rời xa cuộc đời”, bà Hồng chia sẻ.

“Có thể trong cơn bực tức, phút nóng giận thiếu kiềm chế, ông bố đánh con để răn đe, dạy dỗ và vô tình khiến con tử vong. Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì hành động của người bố cũng vi phạm pháp luật”, bà Hồng nói.

Theo Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, trẻ khi ra đời đã là một công dân có đầy đủ quyền con người như bất kỳ ai, thậm chí được pháp luật đặc biệt bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho mình quyền được sử dụng vũ lực với con và nghĩ đó là cách để dạy dỗ.

Về nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo hành, bà Hồng nói chủ yếu liên quan việc phụ huynh kỳ vọng quá lớn vào con cái của mình. Họ muốn con mình phải hoàn hảo, phải đứng đầu, nhưng lại không hiểu rõ hoặc hiểu nhưng cố chấp về khả năng của con.

“Mỗi đứa trẻ sinh ra có sự khác biệt, có đứa thông minh xuất sắc, có đứa chậm hơn, có đứa giỏi lĩnh vực này, có đứa lại nhanh nhạy ở lĩnh vực khác. Vì vậy, bạo lực không phải phương pháp dạy con mà cha mẹ phải hiểu con mình và định hướng chúng phù hợp”.

Bà Hồng cũng nói về bối cảnh xã hội khoảng 1 năm qua, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các bậc cha mẹ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, dễ căng thẳng, tê liệt về nhận thức và kiểm soát hành vi. Lúc đó, người có nguy cơ cao bị bạo lực, tổn thương về thể xác và tinh thần là trẻ nhỏ.

“Xâm hại đối với trẻ em không chỉ đơn thuần là bạo lực, mà đôi khi chỉ cần một câu dọa, một câu xúc phạm”, bà Hồng nói và nhấn mạnh việc bạo hành tinh thần cũng nghiêm trọng không kém việc bị hành hạ thể xác. Và trẻ em khi gặp sang chấn về tâm lý sẽ rất khó để tự lành, nhiều khi tổn thương về tâm lý sẽ kéo dài cả đời, làm thay đổi sự phát triển của trẻ nhỏ.

Nơi bé gái 6 tuổi bị bố đánh. Ảnh: Hải Nam.

Cần xác định nguyên nhân bé gái tử vong

Theo dõi vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, cho biết cái chết của bé gái H.A. là rất đau lòng. Cơ quan điều tra cần nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm minh, trấn an dư luận.

"Những hậu quả của việc dùng bạo lực để giáo dục con cái rất rặng nề, nhiều người vướng vào vòng lao lý vì lạm dụng điều này bởi thiếu hiểu biết pháp luật", luật sư Tiền nói và nhận định vụ việc là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái.

"Luật Trẻ em đã được ban hành, trong đó quy định rất rõ về các quyền của trẻ em và trách nhiệm của người lớn. Bất kể là người thân, dù là bố hay mẹ cũng không được phép dùng vũ lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào", luật sư cho biết.

Luật sư Tiền cho hay cơ quan chức năng sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của bé là do hành động đánh đập của bố hay vì nguyên nhân nào khác.

Ông cho biết nếu xác định nạn nhân bị bố đánh rồi tử vong, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ động cơ, mục đích thực hiện hành vi của người gây ra sự việc. Trong trường hợp nghi phạm đánh đập con không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của bé gái thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Với tình tiết cố ý gây thương tích làm chết người, luật sư cho biết khung hình phạt là 7-14 năm tù giam.

Nếu tác động ngoại lực vào cơ thể, những bộ phận nguy hiểm của con gái nhằm tước đoạt tính mạng nạn nhân, người bố sẽ bị xử lý về tội Giết người, với hình phạt cao nhất là tử hình.

Chia sẻ thêm, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng nếu trong thời điểm bé gái bị bố đánh đập có sự chứng kiến của người xung quanh nhưng những người này không can ngăn, dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong, thì họ cũng có thể bị xem xét xử lý về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo Điều 132 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt của tội danh này là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo cơ quan chức năng, trưa 16/9, ông Lê Thành Công đánh con gái là bé H.A. tại nhà. Đến chiều, bé gái gặp tình trạng nôn ói, gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi nhập viện.

Các bác sĩ nhận định bé gái bị bạo hành nên trình báo cơ quan chức năng. Một ngày sau, Công an quận Bắc Từ Liêm tạm giữ hình sự ông Công để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Tại trụ sở điều tra, bước đầu ông Công khai đã đánh con bằng đũa. 

 

Top