Trẻ em có quyền tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em
Luật trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 dành riêng 1 chương quy định về quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, trẻ được tham gia vào tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Một em học sinh đến từ trường tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Hiện nay trên nhiều tỉnh, địa phương có những gia đình ngược đãi trẻ em. Tại sao lại như vậy? Có phải họ ghét trẻ em không? Cháu nghĩ cần có những quy định cụ thể về việc tra tấn và ngược đãi trẻ em, cần đảm bảo mọi trẻ em phải có cơ hội sống trong môi trường lành mạnh”.
![]() |
Trẻ em nói về quyền trẻ em. Ảnh Nhật Thy |
Một em học sinh từ trường THCS Nguyễn Siêu có ý kiến rằng: “Trong Luật luôn quy định phải có sự lắng nghe của trẻ em, nhưng ngay tại môi trường học đường, giáo viên thường áp đặt suy nghĩ lên học sinh".
Chia sẻ với ý kiến đó, rất nhiều em khác cũng có ý kiến cho rằng mọi trẻ em đều có quyền được học tập, tuy nhiên phụ huynh lại tạo áp lực lên trẻ em bằng cách ép đi học thêm và điểm số. Trong khi đó, quyền được đi chơi của các em lại bị hạn chế, các em có sân chơi nhưng người lớn lại dùng những sân chơi đó để chơi thể thao của người lớn, tập dưỡng sinh, thậm chí biến thành quán bia và nơi gửi xe kiếm tiền.
Vì vậy, các quyền tham gia của trẻ em được thực hiện đầy đủ sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ em. Trẻ em được làm quen với ý nghĩa của sự dân chủ, bình đẳng và tôn trọng, phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm, góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng và quan trọng hơn sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.
Luật Trẻ em 2016 dành riêng 1 chương để quy định rõ, đầy đủ, cụ thể về các điều kiện bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em. Theo quy định của Luật trẻ em 2016, các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em.
Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức như diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện; thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật; tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em; bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.
Để bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình, cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em...
Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội...
Luật Trẻ em 2016 cũng quy định tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Theo đó, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em có nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em; tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em; chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết...
Để bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và bảo đảm tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng để trẻ em tham gia; cung cấp đầy đủ thông tin các vấn đề về trẻ em và các vấn đề trẻ em quan tâm với nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp; khuyến khích sự tham gia của trẻ em; không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng...
Hằng năm, Hội đồng nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm.
Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.