Trẻ vô gia cư tại Bangkok đối mặt với hiểm họa ma túy, mại dâm

06/02/2020 16:00

Bị lợi dụng để mua bán ma túy, hay hoạt động tình dục là những hiểm họa luôn rình rập những đứa trẻ vô gia cư tại Bangkok (Thái Lan) bất cứ lúc nào mà chúng không hề hay biết.

Mỗi buổi tối, cậu bé 14 tuổi toàn thân đầy bụi bẩn với một chiếc cốc nhựa xuất hiện bên ngoài cửa hàng tiện lợi gần Siam Square, trung tâm mua sắm sầm uất ở thủ đô Bangkok (Thái Lan). Cậu không nói một lời, thậm chí không nhìn bất kỳ ai. Cậu có vẻ buồn ngủ hoặc choáng váng, trông giống biểu hiệu của việc lạm dụng chất gây nghiện.

Cậu bé ngủ trên lề đường, bên ngoài cửa hàng tiện lợi với hy vọng được nhiều vị khách giúp đỡ. Ảnh:Tibor Krausz.

“Bố mẹ nó là những người tệ bạc. Tôi nghĩ họ buôn hàng cấm”, một phụ nữ bán hoa quả bên cạnh cho hay.

“Tôi đã đề nghị đưa cậu bé về nhưng nó từ chối. Tôi cảm thấy tiếc cho nó”, một người đàn ông sửa giày trên vỉa hè chia sẻ. Cậu bé đến từ khu ổ chuột khét tiếng trong nội thành và thường lang thang trên đường.

Theo Mirror, tổ chức phi lợi nhuận ở Thái Lan với các nỗ lực truy tìm trẻ em mất tích và giúp chúng đoàn tụ với gia đình, có rất nhiều trẻ em bỏ trốn khỏi nhà ở Bangkok.

“Hoàn cảnh khó khăn khiến chúng trốn chạy. Sự thờ ơ, lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình là những lý do chính, các vấn đề ở trường cũng có thể là một trong những nguyên nhân”, Lakkhana Sirikan, nhà nghiên cứu tại đơn vị cho biết.

Theo một tổ chức, vào năm 2019, 244 trẻ em được báo cáo mất tích ở Thái Lan, bên cạnh những trường hợp không được thông tin. Sau đó, hầu hết chúng được xác định để đưa về nhà hoặc vào trại trẻ mồ côi.

Như những người lang thang khác, cậu bé ở gần trung tâm mua sắm Siam Square sống sót bằng cách ăn xin. Cậu ta làm việc này cùng một người đàn ông ngồi xe lăn bị bệnh đa xơ cứng và một người khác với hộp sọ bị lõm sống gần phía cầu thang hành lang.

“Sống trên đường phố thật khó khăn, nhưng đối với một số trẻ em, điều này tốt hơn việc ở nhà”, Piyabut Phailamun, người đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự, cho hay.

Piyabut bỏ trốn khi 7 tuổi và đã trở thành người vô gia cư trong 15 năm.

“Khi bạn còn nhỏ, rất dễ cầu xin ai đó vì trông bạn thật đáng thương. Cảnh sát thậm chí còn không chú ý đến chúng tôi”, Piyabut nói.

Anh tắm ở sông Chao Phraya gần đó và ngủ trên cỏ hoặc vỉa hè. Khi trời mưa, anh trú dưới gầm cầu hoặc mái hiên nhà người khác.

Piyabut nhặt rác và giúp các nhà sư để đổi lấy thức ăn thừa. “Tôi không nhớ nhà trong suốt khoảng thời gian ấy vì tôi chưa bao giờ có những kỷ niệm đẹp trong chính nhà của mình”.

Ae dừng chân tại Sanam Luang, nơi anh bắt đầu xin ăn và bán báo, mặc dù anh không thể đọc. Ae thích các cuộc tụ họp công cộng, anh say sưa trong các lễ hội ngoài trời tại đây, với nhạc sống, những buổi chiếu phim và thức ăn miễn phí.

Tuy nhiên, cuộc sống đường phố không phải chỉ có niềm vui và những trò tiêu khiển nhỏ nhặt.

Một số cậu bé vô gia cư bị dụ dỗ bán thuốc methamphetamine, còn được gọi là yaba (thuốc điên).

Những thanh niên khác bắt đầu ăn cắp, cướp giật và phạm những tội danh khác. Lạm dụng và buôn bán tình dục là những mối đe dọa không hồi kết.

Sombat, người từng bỏ học cấp 3 và là thành viên của tổ chức Mirror cùng nhiều dự án nhân đạo khác trong gần 30 năm, nói: “Những người lang thang một mình càng lâu, tương lai của họ sẽ càng mù mịt hơn”.

“Một số người trở nên hung hăng và bạo lực. Một số đi vào hoạt động mua bán dâm”, ông nói thêm.

Ae từng bị lừa tham gia phi hành đoàn của một chiếc thuyền đánh cá. Anh bị bắt làm nô lệ trong nhiều tháng trên biển mà không được trả tiền.

May mắn thay, Ae tìm được cách để trốn thoát. Hiện anh sống trong một căn phòng thuê nhỏ và làm việc như một nhân viên xã hội cho tổ chức Mirror, giúp đỡ những người vô gia cư khác.

Tuy nhiên, “Ae là một ngoại lệ đặc biệt. Nhiều người vô gia cư không có cơ hội làm vậy. Anh ta may mắn vì đã không dính vào con đường tội lỗi của những kẻ đầu đường xó chợ”, Sombat nói.

Anh vẫn thường tự trách bản thân vì đã bỏ nhà ra đi. “Nếu ở lại, tôi có thể đi học và có cuộc sống tốt hơn. Tôi sẽ nói với những người lang thang ngoài kia rằng hãy về nhà khi còn có thể”, Ae nói thêm.

}
Top