Trung Quốc: LGBT khó khăn trong việc hòa nhập với các nhóm xã hội

11/06/2018 10:38

Các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển giới ở Trung Quốc trong năm 2018 lớn mạnh chưa từng có. Nhiều sinh viên đại học tự nguyện ra đường để phân phát phù hiệu cầu vồng, dây đeo cổ tay, hoặc tờ rơi cho công chúng. Với họ, đây là một cách thể hiện sự ủng hộ đối với các nhóm cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT).

Ảnh minh họa

Chiến dịch toàn quốc về quyền bình đẳng của giới LGBT cũng thu hút sự chú ý từ Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà chức trách dường như không “vui” khi thấy giới thanh niên tham gia phong trào xã hội.

Điều xảy ra với hai phụ nữ ở Bắc Kinh không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều sinh viên đại học đã sử dụng mạng xã hội để kể lại những lần bị bộ phận an ninh trong trường đại học ngăn chặn và thẩm vấn vì những chiếc phù hiệu cầu vồng.

Các sinh viên Đại học Vũ Hán thậm chí còn nhận được thông điệp cảnh báo từ các cố vấn học thuật. Theo họ, "sự kiện LGBT được sắp đặt bởi một tổ chức bất hợp pháp, có thể dính líu tới phương Tây", do đó sinh viên nên "cẩn trọng lời nói và hành vi của mình".

"Tôi tin rằng một số giảng viên bị bắt buộc phải nói như vậy", Kun, một sinh viên đồng tính tại Đại học Vũ Hán cho biết. “Điều này rất vô lý. Tôi bắt đầu nghĩ có lẽ mình nên chuyển tới các quốc gia khác, những nơi thân thiện với chúng tôi hơn. Tôi yêu đất nước mình, nhưng tôi không biết làm thế nào trong hoàn cảnh này".

Kun bộc lộ giới tính thực với bạn bè và gia đình sau khi vào đại học. Sinh viên này từ chối nêu tên đầy đủ vì sợ rằng mọi người trong trường nhận ra mình.

Trong khi việc hợp thức hoá quyền LGBT còn đang được Trung Quốc thảo luận, các nhóm LGBT của quốc gia này đã bắt đầu tiến hành khởi kiện về một số vấn đề, như sự phân biệt đối xử trong cơ hội việc làm và quyền bình đẳng hôn nhân. Quyền bình đẳng của giới LGBT Trung Quốc là một trong những vấn đề xã hội cấp thiết nhất cần được giải quyết. Tuy nhiên, dù quan điểm của công chúng ngày càng cởi mở, Chính phủ Trung Quốc vẫn thể hiện sự “lạnh nhạt” với chủ đề này.

Đầu tháng 4 vừa qua, Weibo đã đưa LGBT vào nhóm các chủ đề bị cấm trong chiến dịch tạo môi trường mạng xã hội "trong sạch và thân thiện". Đây là một ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định này nhanh chóng khiến công chúng phẫn nộ và đã bị Nhân dân nhật báo, tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích.

Tờ báo này đã xuất bản một bài xã luận trên mạng xã hội, viết rằng: "LGBT là một nhóm thiểu số trong xã hội về xu hướng tình dục và một xã hội công bằng có nghĩa vụ bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số đó".

Nhiều người nhìn nhận bài xã luận này như một dấu hiệu cho thấy có thể chính phủ đã bớt khắt khe trong vấn đề quyền LGBT. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, chiến dịch chào mừng Ngày Quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển giới 2018 - một phần mở rộng của phong trào tháng Tư chống lại lệnh cấm nội dung liên quan đến LGBT của Weibo đã bị cấm ở các cơ sở công cộng.

Marshall Chen, một chuyên gia tư vấn đồng tính tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Bắc Kinh cho biết, anh không ngạc nhiên khi thấy chính phủ thay đổi thái độ của mình.

"Tôi không tin những gì họ nói," anh Chen cho biết. “Những điều thế này đã xảy ra nhiều lần trước đây. Nó giống với việc cho bạn kẹo vào bắt bạn im lặng".

Chen đã thú nhận giới tính thực với cha mẹ, nhưng mẹ anh vẫn muốn anh kết hôn với một phụ nữ, cho dù đó chỉ là cuộc hôn nhân giả mạo. Anh cho rằng ý thức về cộng đồng LGBT chỉ mới phát triển ở Trung Quốc, do đó là một người đồng tính, anh cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập với các nhóm xã hội.

LGBT nỗ lực hết mình để thay đổi cái nhìn về người đồng tính

Trung Quốc không còn coi đồng tính là tội phạm vào năm 1997 và chính thức loại bỏ nó khỏi Sách trắng về chứng loạn thần của Bộ Y tế vào năm 2001. Sau đó, các nhóm LGBT ở Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để thay đổi cái nhìn của công chúng về người đồng tính.

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2013 về thái độ với người đồng tính được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew, 32% người Trung Quốc dưới 30 tuổi cho rằng đồng tính nên được chấp nhận. Trong khi đó, chỉ 15% những người từ 50 tuổi trở lên đồng quan điểm với họ. Nhìn chung, phong trào xã hội về quyền LGBT vẫn bị hạn chế bởi chính quyền Trung Quốc.

Nhiều tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền LGBT ở Trung Quốc thường thấy mình ở một vị thế khó xử. Họ không thể công khai quảng bá mình như một tổ chức vận động quyền LGBT, vì sợ gặp rắc rối. Thay vào đó, các tổ chức phi lợi nhuận này thường tự nhận là các nhóm xã hội hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, như HIV/AIDS.

Ông Sam Sun, Giám đốc dự án Giới của Bắc Kinh, một tổ chức ủng hộ đa dạng giới tính, xu hướng tình dục và sức khỏe ở Trung Quốc, cho biết tổ chức này đang nỗ lực gây quỹ mà không thu hút sự chú ý không mong muốn từ cơ quan an ninh. “Chúng tôi không thấy chính phủ muốn hỗ trợ hoặc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về LGBT. Sau kỳ nghỉ Lễ hội mùa xuân, tôi được biết nhiều tổ chức phi chính phủ phải thay đổi địa điểm làm việc do cảnh sát địa phương thúc ép", ông Sam Sun nói.

Trong khi công chúng vẫn cảm thấy lúng túng về hành động nghịch lý của chính phủ trong hai tháng qua, một số chuyên gia cho rằng rằng sự rút lui chính thức trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển giới 2018 là hợp lý. Mặc dù cộng đồng LGBT đã giành được một chiến thắng nhỏ mang tính biểu tượng vào tháng Tư, nhưng họ cũng sẽ gặp phải những rắc rối nghiêm trọng trong tương lai gần - đó chính là sự chú ý và theo dõi chặt chẽ hơn từ các cơ quan an ninh.

Hai chiến thắng thực sự trong phong trào LGBT ở Trung Quốc là việc chính phủ nước này không còn coi đồng tính là tội phạm và bỏ nó khỏi nhóm các chứng loạn thần. Cả hai thành tựu này đều đạt được nhờ áp lực từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đã lớn mạnh hơn nhiều và quyết định sẽ giải quyết vấn đề LGBT theo cách của riêng mình. Do đó, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra và phong trào LGBT sẽ đi đến đâu.

Rõ ràng, Chính phủ Trung Quốc đang cố giữ vấn đề LGBT ở vùng xám. Mặc dù chính phủ Trung Quốc không phản đối giới LGBT nhưng cũng không đứng về phía họ. Không có sự ủng hộ của chính phủ thì hiệu quả của phong trào LGBT ở Trung Quốc vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, ngay cả khi thế hệ trẻ cởi mở hơn với các vấn đề LGBT thì văn hóa truyền thống lâu đời về giới tính và duy trì nòi giống gia đình vẫn là một trở ngại mà giới mà người dân Trung Quốc phải vượt qua.
}
Top