'Trung tâm mở' cho người cai nghiện tại Nam Định
Để công tác cai nghiện có hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế của các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội của tỉnh Nam Định đã chuyển đổi một Trung tâm thành “Trung tâm mở” cho người cai nghiện, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Thời điểm 2013, tỉnh Nam Định có 4 Trung tâm cai nghiện (Trung tâm CBGDLĐXH Nam Phong, Trung tâm CBGDLĐXH Xuân Trường, Trung tâm Cai nghiện ma túy Nam Trực và Trung tâm Bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội Giao Thủy). Bình quân mỗi năm, các trung tâm tiếp nhận 300 người vào cai nghiện bắt buộc đáp ứng khoảng 11% số người cần cai nghiện. Với biện pháp và hình thức cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, cách ly người nghiện khỏi cộng đồng, các Trung tâm của tỉnh đã đóng vai trò tích cực trong việc góp phần đảm bảo trật tự xã hội, làm giảm không ít số lượng tội phạm liên quan đến ma túy, trên địa bàn tỉnh.
Học viên điều trị tại cơ sở cai nghiện |
Tuy nhiên, cùng với thời gian, hình thức này đã bộc lộ những hạn chế như là không động viên được gia đình người nghiện tham gia quy trình tâm lý trị liệu vì người nghiện bị cách ly với gia đình trong thời gian dài; bản thân người nghiện có tâm lý không muốn vào cai nghiện tại Trung tâm vì mặc cảm là bị giam giữ; không ít gia đình người nghiện chưa thật sự tin tưởng và yên tâm khi đưa con em đến Trung tâm cai nghiện; thêm vào đó là chi phí tốn kém, tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời, động viên được người nghiện quyết tâm cai nghiện, gia đình người nghiện tham gia quy trình tâm lý trị liệu; giúp người nghiện có thêm sự lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp; đồng thời, từng bước xã hội hóa công tác cai nghiện, làm giảm gánh nặng chi phí từ ngân sách nhà nước cho người nghiện; tỉnh Nam Định đã xây dựng Đề án thí điểm chuyển đổi Trung tâm bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội Giao Thủy chuyển sang mô hình “Trung tâm mở”.
“Trung tâm mở” là mô hình điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, tiếp nhận điều trị trên cơ sở tự nguyện, ngoại trú hoặc nội trú tùy theo nhu cầu điều trị của bệnh nhân và mong muốn của gia đình họ, trên cơ sở quy trình tâm lý trị liệu; đảm bảo dễ tiếp cận và kết nối, áp dụng đa dạng các phương pháp điều trị.
Mô hình có 4 hoạt động chính. Đó là tiếp cận cộng đồng nhằm nắm được số lượng, lập danh sách và nhu cầu điều trị của người nghiện ma túy trên địa bàn, thiết lập mối quan hệ giữa người nghiện và Trung tâm, chủ động kế hoạch chăm sóc ca ngay từ khi tiếp cận đối tượng tại gia đình, cộng đồng.
Tiếp đến là xác định trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện và Trung tâm thông qua hình thức hợp đồng, trong đó, xác định: người tự nguyện cai nghiện có quyền được cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí, được hỗ trợ một phần tiền chi phí xét nghiệm và tiền thuốc điều trị, không bị coi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để làm căn cứ lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trong thời gian đang điều trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm, không bị áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, tại cộng đồng. Người tự nguyện cai nghiện có trách nhiệm: thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký cam kết với Trung tâm, đóng góp 1 phần tiền thuốc điều trị và tiền ăn trong thời gian ở Trung tâm.
Hoạt động thứ 3 là điều trị cai nghiện. Quy trình cai nghiện dựa trên Lý thuyết về Quy trình tâm lý trị liệu, gồm 6 bước: Tuyên truyền thông qua cộng đồng và các phương tiện truyền thông, hướng vào đối tượng đích là người nghiện, các thành viên chủ chốt của gia đình có người nghiện. Kết quả mong đợi là người nghiện và gia đình người nghiện vượt qua sự nghi ngờ, hiểu ra những vấn đề có thể gặp do sử dụng ma túy; Gặp gỡ người nghiện, cùng người nghiện, gia đình người nghiện bàn bạc, phân tích lợi và bất lợi liên quan đến thay đổi hành vi; Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, giúp người bệnh chọn biện pháp phù hợp để thay đổi hành vi; Can thiệp y học khi người nghiện tự nguyện đến Trung tâm. Giúp người bệnh thay đổi hành vi (điều trị cắt cơn, cai nghiện tại Trung tâm); Tư vấn phòng chống tái nghiện, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm; Thiết lập lưu chuyển thông tin, theo dõi kết quả điều trị, duy trì. Giúp những người tái nghiện làm lại từ đầu.
Kết quả sau 3 năm (2014-2016), bình quân mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận 150 người tự nguyện vào Trung tâm cai nghiện. Cơ sở đều trị cai nghiện bằng chất thay thế Methadone của Trung tâm bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ tháng 9/2016. Sau 4 tháng (9/2016-12/2016) đã có 168 bệnh nhân được tiếp nhận, duy trì điều trị tại Trung tâm.
Qua đánh giá bước đầu cho thấy, hoạt động cai nghiện tại Trung tâm mở có nhiều điểm mới, phù hợp với người nghiện: Tiếp nhận điều trị trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, ngoại trú hoặc nội trú. Thời gian linh hoạt, dài hay ngắn hoàn toàn tùy thuộc nhu cầu điều trị của bệnh nhân và mong muốn của gia đình họ. Người nghiện không bị cách ly lâu với gia đình nên không có mặc cảm bị giam giữ. Qua trình điều trị kết hợp cả tâm lý trị liệu và can thiệp y học, qua 6 bước của quy trình. Đồng thời, có sự tham gia tích cực, thường xuyên của gia đình người nghiện trong suốt quá trình điều trị bệnh cho người nghiện, tránh được tình trạng gia đình bỏ tiền ra, khoán trắng cho Trung tâm. Hoạt động điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone đã động viên được nhiều người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện và tự nguyện tham gia chương trình.