Truy nã gần 4.400 đối tượng đặc biệt nguy hiểm
(Chinhphu.vn) - Số đối tượng truy nã mặc dù giảm hơn 11%, nhưng vẫn còn rất lớn (gần 8.700) đối tượng, trong đó có gần 4.400 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Sáng 13/9, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục với nội dung xem xét, cho ý kiến về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp năm 2023.
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá của Chính phủ. Theo đó, những khó khăn về kinh tế - xã hội tích tụ sau hai năm đại dịch COVID-19, nhất là về đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân, đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.
Đáng lưu ý, chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Đơn cử, số trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm có giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn 13 trường hợp.
Số đối tượng truy nã mặc dù giảm hơn 11%, nhưng vẫn còn rất lớn (gần 8.700 người), trong đó số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm gần 4.400 đối tượng.
Liên quan đến công tác quản lý, thi hành án tử hình, cơ quan của Quốc hội cho biết, công tác tổ chức thi hành án tử hình bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao, gây áp lực cho công tác quản lý, giam giữ, trong đó có một số trường hợp người bị kết án tử hình đã đủ điều kiện thi hành án nhưng chưa thể tổ chức thi hành, do sai sót về thủ tục.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình. Còn nhiều trại giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình, không bảo đảm yêu cầu quản lý giam giữ.
Vĩnh Hoàng