Truyền thông chiến lược - hướng tiếp cận mới trong phòng, chống mua bán người

16/07/2022 07:21

(Chinhphu.vn) - Thực trạng tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép diễn ra ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, vai trò của truyền thông cũng ngày càng quan trọng và đòi hỏi phải có sự thay đổi để tiếp cận và đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép hiệu quả hơn.

Truyền thông chiến lược – hướng tiếp cận mới trong phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với nước bạn Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp, chủ yếu độ tuổi từ 18 -35 tuổi, bị lừa sang lao động trái phép tại các tỉnh biên giới, cảng biển và ngay cả tại thủ đô Phnom Penh.

Nạn nhân thường bị "giam lỏng" trong các cơ sở kinh doanh, tham gia vào hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng... hoặc bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, bị nhốt kín trong nhà, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho người thân, gia đình đòi tiền chuộc, với số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mới cho về nước.

Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của một số đối tượng "chân rết" là người Việt Nam.

TS. Lucia Pietraoli, Giám đốc Chương trình hợp tác ASEAN – Australia về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam (Chương trình ASEAN - ACT) cho biết, Campuchia hiện nay đang là đích đến của tội phạm mua bán người trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar và cả Việt Nam, vì mục đích bóc lột trong các sòng bạc, trung tâm gọi điện lừa đảo, thường được vận hành bởi các băng nhóm Trung Quốc.

Ở Lào cũng nổi lên các hình thức bóc lột trong các đặc khu kinh tế (SEZs). Xu hướng các công dân nước ngoài bị lừa đến Philippinnes, Campuchia với lý do làm các công việc tử tế, sau đó bị giữ lại để đòi tiền chuộc - cũng có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm Trung Quốc. Một biểu hiện nữa là gia tăng các hình thức tuyển dụng và lừa đảo trực tuyến, một số người bị bóc lột lao động hoặc tình dục.

TS. Lucia Pietraoli cũng cho rằng, suy thoái kinh tế kéo dài sẽ dẫn tới mất việc làm và gia tăng tính dễ bị tổn thương của một số nhóm đối tượng như lao động di cư bị trục xuất, tự nguyện trở về hoặc bị mắc kẹt tại các nước; nam giới, phụ nữ và trẻ em mất thu nhập và việc làm, gia tăng tình trạng bạo lực gia đình và các đối tượng cũng tham gia nhiều hoạt động trực tuyến ẩn chứa nhiều nguy cơ…Tất cả khó khăn đó sẽ đẩy những đối tượng này thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Truyền thông chiến lược bảo đảm gửi đúng thông điệp nhằm đến đúng đối tượng và đúng thời điểm, địa điểm, sử dụng thông tin một cách có mục đích và ý nghĩa (với 5 bước cơ bản gồm: Thiết kế chiến lược; Thực hiện; Phát triển và thử nghiệm; Phân tích; Đánh giá và giám sát).

Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin cho độc giả thông qua việc sử dụng hình ảnh thương hiệu để tạo nên uy tín, sự tin tưởng, tránh cách tiếp cận ảnh hưởng tới vấn đề nhạy cảm giới và gây tổn hại thêm cho nạn nhân trong các hoạt động truyền thông.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Đặng Hương Giang, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao nhận thức và vận động chính sách trong công tác phòng chống mua bán người, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp "nhóm nhỏ" tại cộng đồng; các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện/chiến dịch truyền thông; hội nghị, tập huấn, diễn đàn, hội thảo; văn phòng dịch vụ một điểm đến (Văn phòng OSSO)... Tiêu biểu là chiến dịch truyền thông như "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; "Đường đến bình yên"; "Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động"; "Mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi vì COVID-19"...

Theo bà Dyana Savina, Điều phối viên về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội của Chương trình ASEAN - ACT, không nên khai thác chuyện buồn của nạn nhân để có sản phẩm truyền thông", truyền thông phải tạo ra tri thức, có những thông điệp cụ thể để từ đó thay đổi hành vi, để họ và người thân trong gia đình có những hành động tích cực trong cuộc sống.

Chính vì vậy, ngay lúc này, vai trò của truyền thông càng quan trọng và đòi hỏi phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, chống lại tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép/bất hợp pháp có hiệu quả hơn.

Như Ngọc

}
Top