Truyền thông phòng chống HIV/AIDS và ma tuý, mại dâm: Cần đậm nét, mạnh mẽ hơn nữa

26/04/2019 16:38

Việc thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2017, đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong công tác này.

 Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: Hoàng Anh

Sáng 26/4, Uỷ ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức cuộc họp thúc đẩy thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đến năm 2020”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng, Uỷ viên Thường trực UBQG  chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Truyền thông còn dàn trải, kinh phí hạn chế

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH (cơ quan được giao chủ trì Chương trình phối hợp truyền thông của UBQG), trong những năm qua, các cơ quan thường trực của UBQG và các cơ quan truyền thông đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp truyền thông và thu được những kết quả quan trọng.

Nội dung, hình thức tuyên truyền tiếp tục được đổi mới, tập trung vào các vấn đề trọng yếu mà xã hội quan tâm như: Hiểm hoạ của ma tuý tổng hợp, tác hại và các biện pháp phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, công tác điều trị, cai nghiện và quản lý người nghiện... Trong điều kiện kinh phí hạn chế, các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện hoàn thành các nội dung phối hợp tuyên tuyền năm 2018.

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng, Uỷ viên Thường trực UBQG phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Hoàng Anh

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho phóng viên các cơ quan truyền thông đôi khi chưa kịp thời, toàn diện về kết quả thực hiện và các mô hình, điển hình ở địa phương. Việc tổ chức các đoàn phóng viên đi thực tế cơ sở vẫn còn ít.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi, thảo luận, cập nhật thông tin, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên của các cơ quan truyền thông và báo chí chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; kinh phí còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thông tin về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm đã được tăng cường, chú trọng nhưng còn dàn trải; chất lượng thông tin chưa thật sâu sắc, sinh động. Nội dung tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm còn khá mỏng. Thời điểm phát sóng, phát hình trong khu giờ có nhiều người theo dõi chưa nhiều…

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan truyền thông đã trao đổi làm rõ nét hơn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Trong đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp truyền thông; bố trí kinh phí tuyên truyền hàng năm cho các cơ quan để chủ động triển khai thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu của Đề án.

3 cơ quan thường trực của UBQG (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH) tăng cường điều phối, trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp lồng ghép các hoạt động để tiết kiệm kinh phí và tăng hiệu quả truyền thông như tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và tổ chức phóng viên đi thực tế cơ sở.

3 cơ quan truyền thông (VOV, VTV, TTXVN) chỉ đạo các đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện tốt công tác tham mưu, xây dựng chương trình, tin bài theo chỉ tiêu của Đề án; ưu tiên về kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả.

Tăng cường công tác dự phòng

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã (VPCP), Uỷ viên Thư ký UBQG, cho biết tình hình HIV/AIDS và ma tuý, mại dâm hiện nay đang có những diến biến mới hết sức lo ngại như: Tình trạng “ngáo đá”, sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới trong thanh thiếu niên đang tăng nhanh, tình hình nhiễm HIV tại các vùng sâu, vùng xa khó khăn, mại dâm công nghệ cao, ấu dâm... Trong khi đó, công tác dự phòng chưa đáp ứng được, truyền thông chưa đưa ra được những cảnh báo kịp thời.

“Chúng ta làm truyền thông cũng nhiều. Tuy nhiên, phải đến khi những vụ án ma tuý đá "khủng" được triệt phá vừa qua mới khiến dư luận giật mình về tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý. Công tác truyền thông phải thực sự đậm nét, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, cần tăng cường công tác dự phòng, nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa", ông Đoàn Hữu Bẩy nhấn mạnh.

 Ông Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã (VPCP), Uỷ viên Thư ký UBQG phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Hoàng Anh

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng, Uỷ viên Thường trực UBQG cho biết, Đề án Phối hợp truyền thông bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí và phân công cho các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Kể từ khi thực hiện Đề án công tác truyền thông phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong công tác này.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng đề nghị, từ nay đến hết thời gian thực hiện Đề án, Bộ Tài chính xem xét bố trí kinh phí thực hiện các nội dung tuyên truyền của Đề án. Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ  với Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, VTV, VOV, TTXVN trong triển khai Đề án “Truyền thông về phòng chống ma tuý trên các phương tiện thông tin đại chúng” để lồng ghép có hiệu quả các nội dung và tiết kiệm kinh phí.

Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường điều phối, kịp thời trao đổi, cung câp thông tin cho các cơ quan truyền thông.

VTV, VOV, TTXVN tăng thời lượng, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, xây dựng chương trình, tin bài theo chỉ tiêu của Đề án, ưu tiên kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.

}
Top