Từ 'bão 200 ngàn' xem cách Singapore phạt kẻ sàm sỡ bằng... roi mây

30/04/2019 10:53

Singapore nổi tiếng là nước có luật pháp nghiêm khắc. Ngay cả những vi phạm nhỏ như ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng cũng có thể dẫn tới việc bị phạt hành chính số tiền lên đến hàng nghìn USD.

Ảnh minh họa thực hiện hình phạt đánh roi.

Tuy nhiên, trong số những hình phạt mà Singapore áp dụng, đánh roi là hình thức phạt khiến nhiều người khiếp hãi nhất và cũng là một trong những hình phạt gây tranh cãi nhất.

Cây roi đáng sợ

Theo quy định của luật pháp Singapore, đánh bằng roi mây thường là hình phạt bổ sung đi kèm với án phạt tù với những người có hành vi vi phạm pháp luật.

Hình phạt thể xác này được áp dụng kèm với hơn 40 tội danh, bao gồm các hành vi vi phạm nằm trong nhóm các tội buôn bán ma túy, trộm cắp và các tội khác liên quan đến tài sản, các vi phạm liên quan đến vũ khí và chất nổ, các vi phạm về nhập cư, các vi phạm liên quan đến vấn đề tài chính, tội phạm tình dục, vi phạm trật tự công cộng, các hành vi vi phạm nhằm vào cá nhân khác, bắt cóc, vi phạm giao thông, vi phạm kỷ luật trong tù. 

Trong đó, những hành vi phá hoại như viết, vẽ, sơn hay ghi lên các tài sản công cộng và tài sản cá nhân mà không được phép; đánh cắp hay phá hoại bất cứ tài sản công nào đều có thể bị phạt từ 3 đến 8 roi.

Với các vi phạm về nhập cư như nhập cảnh hoặc ở lại Singapore mà không có hộ chiếu hợp lệ, ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày hay cố ý sử dụng trên 5 người nhập cư bất hợp pháp, mức phạt tối thiểu là 3 roi và tối đa là 24 roi.

Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi. Cũng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải nhận mức phạt tối đa 24 roi. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt. 

Trong một số trường hợp, nếu phạm nhân bị tuyên phạt roi nhưng không đủ sức khỏe để chịu phạt, tòa án sẽ kéo dài án tù thêm tối đa 12 tháng. Nếu hình phạt đánh roi phải ngừng phạt giữa chừng, số roi chưa đánh sẽ do tòa án chuyển đổi thành thời gian ngồi tù tương đương. Thông thường, hình phạt đánh roi sẽ được thực hiện trong quá trình phạm nhân đang thi hành 1/3 thời gian đầu của án phạt tù.

Theo quy định của Singapore, hình thức phạt đánh roi chỉ được thực hiện đối với những người có hành vi vi phạm là đàn ông từ 18 đến 50 tuổi, được cơ quan y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Quy cách của loại roi được dùng để thi hành hình phạt của Singapore được pháp luật nước này quy định rất rõ. 

Theo đó, loại roi được dùng với người vi phạm là nam giới trưởng thành có chiều dài 1,2 m, tiết diện 1,3 cm. Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm trong nước qua đêm để tăng độ dẻo, đồng thời cũng tránh khả năng bị xước dăm trong quá trình sử dụng, để lại dằm trên da người vi phạm. Chiếc roi này cũng được bôi thuốc sát khuẩn để tránh khả năng gây nhiễm trùng vết thương trên mông người bị phạt. 

Ảnh minh họa thực hiện hình phạt đánh roi.

Những vết sẹo khó phai mờ

Việc thi hành án phạt đánh roi ở Singapore thường được tiến hành theo trình tự: người vi phạm phải cởi hết quần áo, bị trói chặt tay và chân bằng dây da ở tư thế úp vào một chiếc thang gỗ. Phần thân trên của người bị đánh sẽ được phủ một tấm đệm để tránh làm tổn thương những vùng này. Sau khi người bị phạt đã bị “khóa chặt” vào chiếc thang, không nhúc nhích được, người giám sát sẽ ra hiệu lệnh quất roi. 

Người đánh roi là người khỏe mạnh, được đào tạo để có thể thực hiện những cú đánh gây đau đớn nhất có thể nhưng không để lại thương tật vĩnh viễn. Một số mô tả cho hay, cú quất roi có thể đạt tới tốc độ 160 km/h, tạo thành những đòn giáng vô cùng mạnh vào mông người bị phạt. Mỗi roi sẽ được thực hiện cách nhau khoảng 30 giây. 

Đôi khi, giới chức nhà tù có thể huy động tới 2 cán bộ thay phiên nhau thực hiện hình phạt để đảm bảo mỗi roi được đánh ra có lực đánh tối đa. Thông thường, phần mông của người bị phạt sẽ bật máu chỉ sau 3 roi đầu và tất cả những người bị đánh đến 3 roi gần như chắc chắn sẽ để lại sẹo. 

Theo điều 330 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế có mặt tại hiện trường để kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bị phạt roi cả trước, trong và sau khi phạt.

Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu thấy người bị phạt không đủ khỏe mạnh. Các bác sĩ cũng kiểm tra tù nhân trước và sau khi bị đánh để đảm bảo anh ta phù hợp với hình phạt này. Những người bị phạt đánh roi cũng phải trải qua những áp lực về tâm lý rất lớn. 

“Thông thường, họ sẽ không được thông báo khi nào bị phạt. Điều này khiến họ mất ngủ, lo lắng, ớn lạnh. Họ cũng có thể cảm thấy xấu hổ”, ông Jan Kizilhan – giáo sư về tâm lý học tại trường Villingen-Schwenningen – nói thêm về khía cạnh tâm lý của hình phạt này.

Việc phạt roi được tiến hành trong không gian kín, không công khai trước công chúng. Song, các tù nhân được cho thường xếp hàng chờ tới lượt bị quất. Vì vậy, những người phía sau vẫn có thể nhìn thấy phản ứng của người trước mình, khiến nhiều người cảm thấy mất thể diện vì bị phạt. 

Ngoài ra, dù vết thương có lành, những người bị phạt vẫn có thể sẽ phải mang những vết sẹo suốt đời, khiến họ cảm thấy ớn lạnh mỗi khi nhìn vào đó. Nhiều người từng bị phạt roi cho biết họ đã bị sốc vì cơn đau dữ dội. Họ cũng thừa nhận đó là một cú sốc lâu dài, khiến họ sau khi đã bị phạt roi rồi sẽ không dám phạm luật thêm lần nào nữa.

Phạt roi là hình phạt nhằm vào thân thể được Singapore áp dụng từ thời thuộc địa Anh. Đến nay, khi nhiều nước khác đã hủy bỏ thì hình phạt này vẫn được Singapore duy trì nhằm đảm bảo tính răn đe. 

Giới chức Singapore cho rằng, hình phạt tiền không có tác dụng vì một số người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí vào tù, sau khi phạm tội. Trong khi đó, hình phạt roi sẽ khiến những người bị phạt cảm thấy sợ hãi, không còn dám tái phạm đồng thời răn đe những người khác từ bỏ ý định phạm tội. 

Theo giới chức Singapore, trong khi các nước khác vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng ma túy và tội phạm thì chính quan điểm cứng rắn giúp cho các đường phố của nước này được an toàn và sạch sẽ. Song, theo thống kê, từ năm 2007 tới năm 2016, số lượng bản án đi kèm phạt roi có xu hướng giảm dần tại Singapore.

Năm 2012, ở nước này có hơn 2.500 người bị phạt đánh roi. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2016, các tòa án ở Singapore đã tuyên án phạt đánh roi 1.257 người; trong đó 987 người đã bị thi hành án phạt đánh roi.

Ngoài ra, Singapore cũng được cho là nước nói tiếng Anh duy nhất ngoài Mỹ có các trường học công khai rằng họ có sử dụng hình phạt thân thể (cụ thể là đánh roi) với học sinh.

Theo một thống kê, đến năm 2018, 13% các trường tiểu học và khoảng 53% các trường trung học, trừ các trường nữ, trên trang web của họ tuyên bố có sử dụng hình phạt đánh roi với nam sinh. Việc áp dụng hình phạt này được Bộ giáo dục Singapore quy định rất chặt chẽ.

Chi tiết về tất cả mọi lần áp dụng hình phạt như vậy phải được nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ. Việc phạt roi cũng cần phải được hiệu trưởng của trường trực tiếp giám sát hoặc ủy quyền cho người khác giám sát và phải có một giáo viên khác làm nhân chứng. 

Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục Singapore, mức phạt roi tối đa với học sinh là 3 roi/lần phạt, giảm so với con số 6 roi của năm 2017. Tuy nhiên, hiếm khi học sinh nam bị phạt tới 3 roi 1 lần. Hình phạt này thường do thầy kỷ luật được đào tạo đặc biệt để có thể thực hiện việc này xử lý.

Roi để đánh các học sinh là roi mây nhẹ. Các học sinh thường bị đánh vào phần mông. Quy định của Bộ giáo dục Singapore cho phép đánh vào tay nhưng việc này hiếm khi được thực hiện.

Quân pháp bất vị thân

Không chỉ phạt người dân, hình phạt đánh roi còn được Singapore thi hành nghiêm khắc với người nước ngoài. Nhiều vụ việc trong số này đã trở thành tâm điểm của dư luận nhưng bất chấp những chỉ trích hay đề nghị của các nước, Singapore vẫn luôn giữ nghiêm quy định của mình. Ví dụ, năm 1994, thanh niên người Mỹ Michael Fay đã bị tuyên phạt 6 roi vì bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã nỗ lực tác động để Fay không bị đánh. Tuy nhiên, chính quyền Singapore chỉ “nể tình” giảm hình phạt xuống còn 4 roi chứ nhất quyết không xóa bỏ hình phạt với thanh niên này.

Năm 2015, tòa án ở Singapore tiếp tục tuyên phạt 2 du khách người Đức 9 tháng tù giam và 3 roi mỗi người vì đã xịt sơn vẽ bậy lên tàu điện của Singapore. Dù 2 người này đã ăn năn hối cải, Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng phản đối còn gia đình 2 du khách đã gửi bồi thường chi phí sửa chữa hư hại sang cho Singapore nhưng Công ty điều hành tàu điện của Singapore đã trả lại tiền còn tòa án nước này thì vẫn kiên quyết giữ nguyên hình phạt.

Năm 2010, công dân Thụy Sĩ Oliver Fricker cũng đã bị phạt 7 tháng tù giam và bị đánh 3 roi sau khi đột nhập vào ga tàu điện của Singapore và xịt sơn lên toa tàu.

Năm 2017, một nhà ngoại giao Ả rập Xê-út cũng đã bị tuyên mức án hơn 26 tháng tù giam và phạt 4 roi vì tội quấy rối tình dục một nữ nhân viên phục vụ tại khách sạn. Mới đây nhất, hồi tháng 1 vừa qua, giới chức Singapore kiên quyết khẳng định vẫn sẽ thi hành án phạt đánh roi với một người đàn ông người Anh tên Yuen Ye Ming.

Hồi năm ngoái, Yuen bị tuyên án 20 năm tù giam và phạt 24 roi vì tội buôn bán, tiêu thụ và tàng trữ ma túy. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã lên tiếng đề nghị người đồng cấp Singapore hủy bỏ bản án này. Bộ Ngoại giao Anh cũng lên tiếng phản đối nhưng phía Singapore khẳng định vẫn sẽ thực thi hình phạt.

Ngoài Singapore, hình phạt đánh roi còn xuất hiện ở một số nước khác. Theo một thống kê của tờ DW Đức, trên thế giới hiện có 15 áp dụng quy định trừng phạt thân thể, bao gồm Singapore. Các nước cùng từng là thuộc địa của Anh như Malaysia và Brunei cũng đang áp dụng hình phạt bổ sung này.

Quy định trong luật hình sự của 2 nước này đối với hình phạt đánh roi cũng có nhiều điểm tương tự như Singapore, ví dụ như chỉ áp dụng với nam giới, một người sẽ không bị kết án phạt quá 24 roi trong một phiên tòa…

Tại Malaysia, thanh thiếu niên từ 10 đến 18 tuổi theo quy định chỉ có thể bị kết án tối đa là 10 roi bằng một cây roi nhẹ hơn còn ở Brunei, số roi tối đa là 18 roi. Tuy nhiên, tại Malaysia, hình phạt đánh roi ngoài hình phạt tư pháp còn được áp dụng như một hình phạt theo luật Hồi giáo Sharia. 

Trong thế giới Ả rập, mức phạt đánh roi thậm chí còn nặng nề hơn nhiều, điển hình như một blogger ở Ả rập Xê-út gần đây đã bị kết án đến 1.000 roi và 10 năm tù vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Ở Yemen, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Qatar, hình thức phạt đánh roi cũng khá phổ biến, tương tự như ở Iran, Pakistan và Afghanistan. Ở châu Phi, hình thức trừng phạt tương tự đã được ghi nhận ở Somalia, Sudan, Nigeria và Tanzania.

}
Top