Tự cai nghiện vì sợ con gái không lấy được chồng
Không ít người quyết tâm và đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời, trở thành người tốt bằng những cách khác nhau. Nhưng cách dùng thuốc ngủ tự cai nghiện của Bùi Đình Hảo ở xã Minh Đức (Mỹ Hào, Hưng Yên) thật chẳng giống ai, và lý do cũng vì nỗi đau âm ỉ, lo bốn cô con gái không lấy được chồng.
Người thôn Phong Cốc, xã Minh Đức vẫn chưa quên hình ảnh "anh cả" Bùi Đình Hảo bị vàng, ma túy, bài bạc "hành" đến kiệt quệ, thì nay họ lại tự hào và tín nhiệm anh, người tiếp tục bị công việc... hành. Anh kiêm nhiệm rất nhiều "chức": Phó ban Công an xã kiêm phụ trách cán bộ tư pháp hộ tịch; trưởng thôn Phong Cốc; Phó ban Mặt trận Tổ quốc; đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2, rồi tham gia Tổ hòa giải, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh; CLB Cựu chiến binh - cựu quân nhân sản xuất kinh doanh... Tôi hỏi: "Kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi chị nhà ốm, các con thì ở xa, anh thu xếp thời gian thế nào?". Anh Hảo vui vẻ trả lời: "Phải tự sắp xếp khoa học thôi, bà con tin tưởng, các đoàn thể cũng muốn tôi tham gia phong trào cho sôi nổi".
Anh Bùi Đình Hảo đã nhận ra giá trị của cuộc sống |
Tự tin, sòng phẳng, làm nhiều hơn nói, đó là những tố chất của Hảo mà ai nhìn vào cũng nhận ra. Song, anh cho biết, bản thân cũng từng không cưỡng nổi sự cám dỗ của tiền bạc và ma túy. "Cuộc đời có lúc thế này, lúc thế khác em ạ. Ai cũng có thể bị sa ngã, bằng nhiều hình thức. Không ít người từng là nô lệ của ma túy như tôi mà tôi biết, đến nay vẫn chưa thoát được, sống khổ sở. Thế mới biết, ý chí trong con người thật quan trọng", anh Hảo chia sẻ.
Ngược dòng thời gian, Bùi Đình Hảo từng là bộ đội, năm 1980 xin về phép lấy vợ, năm 1983 xuất ngũ. Trở về địa phương, với tiềm lực gia đình, anh vay vốn đi buôn. Ngày đó, việc kinh doanh dễ dàng, tiền kiếm bộn, Hảo đã tạo dựng cho vợ con một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, năm 1988, bạn cũ rủ rê "Na Rì đầy vàng, lên đây mà kiếm, tội gì đi buôn cho vất vả...". Nghe những lời nói như rót mật vào tai, Hảo xiêu lòng. Vả lại đến 80% trai tráng trong làng cũng ngược Na Rì (Bắc Cạn) tìm vàng, Hảo từng đóng quân ở đó, các mối quan hệ cũ rất nhiều. Người bảo lãnh cho Hảo lên Na Rì là một người máu mặt trong giới đào vàng, gọi Hảo là "anh cả".
Tuy nhiên, năm 1990, sau ba năm làm chủ nhóm đào vàng, nhiều lần tổ chức đánh nhau giành lãnh địa, chi tiêu phung phí, Bùi Đình Hảo... bật bãi. Gã trai nhiều ước mơ mấy năm trước chỉ còn lại mấy chục cây vàng và mang cả tấm thân đã bị bào mòn vì nghiện hút về quê.
Mang vàng về quê, Hảo sắm xe máy, mua một lúc sáu miếng đất dọc quốc lộ 5. Đi đâu, Hảo cũng vi vu cưỡi chiếc xe đẹp mà lúc đó cả làng chẳng ai có. Hảo tổ chức bạn bè đi chơi, hút ma túy, đánh bạc, nhiều khi dạt lên cả Bắc Ninh, Hà Nội tìm bạn. Nhiều người bị Hảo kéo vào làm nô lệ cho "nàng tiên nâu". Hảo đã vung tay chi tiêu, phá phách, bao nhiêu tiền bạc Hảo và vợ tích cóp được đều "nướng" hết.
Đại gia đình hoang mang, vợ con sợ hãi, chán nản. Họ khuyên Hảo đi cai nhiều lần nhưng Hảo không chịu. Đến khi Hảo nghĩ đến chuyện tự cai thì đã thật sự "khó chữa", chín lần tự cai không thành. Lần thứ 10, với quyết tâm, Hảo khoác ba lô về một cơ sở ở Bát Tràng (Hà Nội). Ngày thứ nhất không thấy Hảo về, mọi người nghĩ Hảo sẽ thành công. Chiều thứ hai, Hảo thất thểu về, gia đình thêm một phen thất vọng. Mẹ Hảo hỏi: "Sao con về sớm thế?". Hảo trả lời: "Ai hỏi, mẹ bảo con không cai được đâu".
Anh Bùi Đình Hảo (bên phải) trong vai trò là cán bộ tư pháp, hộ tịch |
Đêm đó, nằm vắt tay lên trán nghĩ, Hảo bỗng thấy thương vợ con. Lần đầu tiên Hảo khóc và cố giấu những giọt nước mắt. Nếu Hảo không là người bố tồi, thì vợ và các con đâu phải kinh hồn bạt vía và lúc này, sống thiếu thốn như thế. Hảo tự nhủ: "Nhà có bốn "con vịt giời" (bốn cô con gái), nếu cứ mãi thế này thì ai dám chơi với chúng nó. Sau này, ai dám lấy chúng nó làm vợ? Người ta ghẻ lạnh, kỳ thị, chúng nó cũng đã rất tội nghiệp rồi".
Hôm sau, Hảo nói với gia đình, đúng ngày giỗ bố sẽ tự cai ở nhà. Hảo tuyên bố: "Nếu không cai được, ngày giỗ bố cũng chính là ngày giỗ của Hảo". Hảo quyết tâm thật. “Cả tuần chiến đấu như thế, tôi đỡ trông thấy, gia đình ai cũng mừng. Sau đó, cứ trưa nắng tôi cởi trần, ra sân phơi thóc giúp vợ cho vã mồ hôi", Hảo kể. Và rồi, Hảo đã đoạn tuyệt với ma túy.
Từ năm 2000 đổ về trước, thôn Phong Cốc nhiều người nghiện vô kể. Các đối tượng ở nhiều địa phương khác cũng dạt về góp mặt. Giữa năm 2000, trưởng thôn Đỗ Xuân Tằng đến vỗ vai Hảo: "Chú đứng ra làm bảo vệ cho thôn, cái uy của chú lớn nên sẽ giúp được thôn vượt qua cơn bão ma túy".
Năm 2002, ông Tằng nghỉ làm trưởng thôn, Bùi Đình Hảo được đề cử, từ đó đến nay mọi việc anh làm rất hanh thông, tạo dựng được uy tín và dần dần được giao nhiều "chức". Hảo biến thành người ăn cơm nhà làm việc xã hội. Bình tâm lại, Hảo tâm sự: Đúng ra, tôi chẳng khổ và nghiện đâu. Cũng bởi tính hiếu thắng và dại dột. Giờ ngẫm lại, tự thấy nếu không thay đổi bản thân sớm, thì tôi còn hại thêm nhiều người khác nữa chứ chẳng giúp được xã hội như hiện giờ. Đúng là mỗi người một số phận, chẳng ai giống ai”.