Từ những vụ trốn "trại" của học viên cai nghiện
Thời gian gần đây, tình trạng học viên cai nghiện tại trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội một số tỉnh, thành phố tổ chức bỏ trốn với quy mô lớn, thậm chí có vụ lên tới hàng trăm học viên cùng bỏ trốn đang trở thành vấn đề nóng. Từ những vụ việc này cho thấy cần phải xem lại công tác quản lý tại các trung tâm cai nghiện.
Liên tiếp trốn "trại"
Mới đây nhất, là vụ việc xảy ra vào 20h30 đêm 13/4/2016, tại Trung tâm giáo dục và dạy nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khi 447 học viên đang cai nghiện tại trung tâm giả vờ đánh nhau, đánh lạc hướng nhân viên bảo vệ để bỏ trốn. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, một số học viên dàn cảnh đánh nhau, sau đó đá mạnh vào cửa để gây náo động nhưng đã được bảo vệ nhắc nhở.
Tuy nhiên, một lúc sau, các học viên lại đạp tung cửa và bắt đầu cuộc trốn chạy. Ngay lập tức, lực lượng bảo vệ sử dụng 20 bình xịt hơi cay, 5 bình chữa cháy mini nhằm hạn chế sự manh động của các học viên nhưng bất thành. Đáng nói, 1 nhân viên bảo vệ đã bị học viên ném đá vào đầu gây thương tích, phải cấp cứu tại bệnh viện.
Để chuẩn bị cho cuộc trốn "trại" các học viên đã đục phá tường rào để thoát ra ngoài. Một số học viên khác đã sử dụng chăn màn, quần áo bện thành dây thừng, ném qua vào hàng rào kẽm gai rồi đu bám để thoát ra ngoài. Sau khi thoát ra khỏi khu vực quản lý của trung tâm, trên đường bỏ trốn, nhiều học viên vừa đi vừa la hét gây náo loạn…
Trước đó, cuối năm 2014, gần 400 học viên cai nghiện tại Trung tâm giáo dục và lao động xã hội Gia Minh (thuộc Sở LĐTB&XH TP Hải Phòng) trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên đã phá trại, bỏ trốn. Nguyên nhân dẫn đến việc các học viên rời bỏ trung tâm xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhóm học viên cai nghiện tự nguyện, có tinh thần tiến bộ với các học viên cai nghiện bắt buộc.
Anh Bùi Văn Luân, (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh là trường hợp thuộc diện cai nghiện bắt buộc tại một trung tâm cai nghiện. Lúc mới vào “trại” không chịu được cũng có ý định bỏ trốn, không những thế Luân còn lôi kéo thêm một số học viên khác theo mình. Tuy nhiên, âm mưu của Luân đã bị bại lộ và sau đó được các bác sĩ tư vấn và chia sẻ nên Luân đã nhận thức được vấn đề: Khi đã nghiện ma túy, nếu không có nghị lực, ý chí từ bỏ thì mãi mãi trở thành gánh nặng cho người thân trong gia đình và xã hội. Đặc biệt là đánh mất bản thân và chính mình phải hứng chịu mọi hậu quả do ma tuý gây ra.
Hiện nay, chính sách pháp luật cũng đã có nhiều thay đổi, ngoài những người nghiện ma tuý bắt buộc phải đi cai nghiện thì nhiều trường hợp nghiện ma tuý lại được gia đình, chính quyền và cơ quan chức năng động viên đến các cơ sở điều trị theo hình thức tự nguyện ngày một nhiều.
Tuy nhiên, người nghiện thường có tâm lý mặc cảm, bất an, nếu không được tư vấn kịp thời dễ dẫn đến chán nản bỏ cuộc và muốn trốn khỏi trung tâm cai nghiện. Trong khi đó, công tác quản lý tại một số trung tâm còn lỏng lẻo, lực lượng cán bộ mỏng, nhiều nơi cơ sở vật chất không đảm bảo. Lợi dụng thực trạng này, các đối tượng nghiện thường rủ nhau bỏ trốn. Và những cuộc đào tẩu vẫn cứ liên tiếp diễn ra.
Nên dần chuyển sang hướng điều trị tự nguyện
Nói về việc quản lý tại các trung tâm cai nghiện, Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết: “Trước đây, Hà Nội có 10 trung tâm cai nghiện và giáo dục lao động xã hội, nhưng năm 2014 rút xuống còn 7 trung tâm (trong đó có 1 trung tâm cai nguyện hoàn toàn tự nguyện và 6 trung tâm đa chức năng vừa cai nghiện bắt buộc, vừa cai ngiện tự nguyện và lưu trú tạm thời). Khi hình thành các trung tâm cai nghiện hay còn gọi là cơ sở điều trị ma tuý tự nguyện, bắt buộc, cơ sở lưu trú tạm thời… thì thành phố có chỉ đạo chặt chẽ cơ quan chức năng liên quan phải có kế hoạch phối hợp đảm bảo công tác ANTT cho các trung tâm, để trung tâm làm tốt chức năng nhiệm vụ chuyên môn.
Ngoài ra, các trung tâm cũng phải tự xây dựng phương án, tránh tình trạng học viên trốn khỏi trung tâm, cơ sở hoặc có hành vi manh động, bạo động. Trong đó, một vấn đề cơ bản là Sở LĐTB&XH phải chỉ đạo các cơ sở điều trị làm tốt công tác chuyên môn, tư vấn, quản lý, phân loại các học viên, đối tượng nghiện từ đầu vào. Bởi các học viên thuộc rất nhiều thành phần nên cần phân loại đánh giá, nắm bắt tâm lý tư tưởng để hỗ trợ học viên một cách kịp thời, giải tỏa những bức xúc băn khoăn vướng mắc cho họ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo quyền lợi nghĩa vụ và trách nhiệm cho học viên trong việc thực hiện quy chế làm việc, điều trị. Chính vì vậy, nếu giải quyết tốt được vấn đề này sẽ giải quyết được vấn đề ANTT”.
“Từ việc học viên vào trung tâm theo sự tự nguyện thì công tác tư vấn chuyên môn cũng cần được thực hiện một cách bài bản để tạo động lực cho học viên, xác định nơi điều trị sẽ mang lại lợi ích cho họ. Điều này sẽ giảm đến 90% nguy cơ học viên chống đối hay bỏ trốn. Theo thống kê, năm 2015, toàn thành phố Hà Nội đưa khoảng 150 người đi cai nghiện bắt buộc, còn lại khoảng hơn 2.100 người cai nghiện tự nguyện. Số người nghiện quay lại lần hai rất ít, đây là một trong những thành công của nội dung thực hiện đề án về công tác cai nghiện theo hướng tự nguyện cho các đối tượng nghiện ma túy”, bác sĩ Phùng Quang Thức chia sẻ.
Còn ông Phí Anh Hoàng - Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội số 6 (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, trung tâm hiện nay có khoảng gần 1.000 học viên cai nghiện ma túy vừa tự nguyện, vừa thuộc diện bắt buộc. Thời điểm 2-3 năm về trước, trung tâm tiếp nhận mỗi đợt khoảng hơn 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, dù số lượng học viên đông nhưng rất ít xảy ra tình huống học viên trốn khỏi cơ sở điều trị. Thi thoảng có học viên có ý định bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Chia sẻ về cách quản lý, ông Phí Anh Hoàng nói, “Nhiều người cho rằng người nghiện ma tuý sẽ là mầm mống, đầu vào của tội phạm của tội phạm là chưa chính xác. Qua công tác điều trị cho thấy, người nghiện ma túy rất khổ sở, con đường dẫn đến nghiện ngập có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì thế, trong quá trình tiếp nhận học viên vào trung tâm điều trị, cán bộ trung tâm phải sàng lọc và có những tư vấn, động viên để họ yên tâm điều trị. Đối với người đến điều trị tự nguyện và người thuộc diện bắt buộc tuy có phác đồ điều trị khác nhau nhưng không có sự phân biệt hay kỳ thị. Vì vậy, khi đến với trung tâm họ có những giao lưu, chia sẻ với nhau để thoát khỏi cảnh nghiện ngập”.
Học viên Bùi Tuấn Anh (ở Long Biên, Hà Nội), một trong những trường hợp tự nguyện cho biết, đã từng có gia đình, cả hai vợ chồng Tuấn Anh làm nhân viên văn phòng cho một đơn vị trong ngành hàng không. Do bị bạn bè lôi kéo, sau vài cuộc vui, Tuấn Anh đã vướng vào con đường ma túy. Được gia đình động viên Tuấn Anh đến trung tâm điều trị.
Sau gần 4 tháng điều trị tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội số 6, tình trạng sức khỏe của anh đã ổn định, cơn nghiện đã cắt hoàn toàn và trở lại như người bình thường. Tuấn Anh chia sẻ, để vượt qua được những lúc khó khăn, ngoài ý chí và sự quyết tâm thì anh còn được các bác sĩ của trung tâm điều trị và tư vấn một cách có hiệu quả. Theo Bùi Tuấn Anh, việc những người nghiện như anh nếu đã tự nguyện đến trung tâm chữa bệnh thì chẳng có lý do “trốn trại”, phá vỡ hợp đồng điều trị với trung tâm.
Theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy, quy định: Cai nghiện ma túy là việc áp dụng các hoạt động điều trị, tư vấn, học tập, lao động, rèn luyện nhằm giúp cho người nghiện ma túy phục hồi về sức khỏe, nhận thức, tâm lý và hành vi, nhân cách để trở về tình trạng bình thường; Việc cai nghiện ma túy có thể được áp dụng đối với các đối tượng tự nguyện hoặc bắt buộc.
Đây không phải là biện pháp hình sự, bởi vậy việc các đối tượng nếu như thực hiện hành vi bỏ trốn khỏi nơi cai nghiện, trong trường hợp cai nghiện tự nguyện sẽ được xem như từ bỏ việc cai nghiện, trong trường hợp cai nghiện bắt buộc thì sẽ xem xét một số biện pháp hành chính về quản lý sau khi đưa họ quay về trại cai nghiện. Vậy để hoạt động chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội ở các trung tâm thực sự có hiệu quả nên chăng hướng đến hình thức chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội tự nguyện?