Tự xét nghiệm HIV tại nhà - Giải pháp cho người có nguy cơ nhiễm HIV

12/12/2021 10:52

(Chinhphu.vn) - Đây là khuyến cáo được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tại Hội thảo "Vai trò của tự xét nghiệm trong Chiến lược tổng thể về tư vấn xét nghiệm HIV và trong bối cảnh COVID-19" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo do PGS.TS. Phạm Đức Mạnh-Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì với sự tham dự của đại diện các tổ chức: WHO, USAID, PATH Healthy Market, Dự án EPIC, dự án Quỹ toàn cầu, Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Glink Nghệ An; các Phòng thuộc Cục cùng các đầu cầu tham gia họp trực tuyến của 63 tỉnh/thành phố.

Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm HIV chia sẻ về thực trạng và Chiến lược tư vấn xét nghiệm HIV tại Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, toàn quốc hiện có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp. 35 tỉnh triển khai xét nghiệm tại cộng đồng và 33 tỉnh QTC, 11 tỉnh PEPFAR triển khai sinh phẩm tự xét nghiệm. 27 tỉnh triển khai xét nghiệm mới nhiễm HIV.

Do tình hình dịch COVID19 diễn biến phức tạp, các tỉnh/thành phố triển khai giãn cách xã hội, các hoạt động triển khai bị gián đoạn; nhân lực ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Trung tâm phòng, chống bệnh tật các tỉnh/thành phố tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch COVID nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Công tác xét nghiệm phục vụ hoạt động sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị tại các tỉnh có dịch COVID-19, trong thời gian phong tỏa, giãn cách bị ảnh hưởng. Một số công tác hỗ trợ công tác xét nghiệm sàng lọc ở cơ sở y tế khó khăn. Một số nơi giãn cách xã hội, cộng tác viên, đồng đẳng viên về quê, đi cách ly cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc kết nối giữa cộng đồng với dịch vụ y tế.

Trước tình hình đó, Cục đã lập kế hoạch triển khai hoạt động giám sát, báo cáo số liệu, tư vấn, xét nghiệm HIV phù hợp đáp ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch COVID 19. Linh hoạt các phương pháp và cách thức triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tự xét nghiệm HIV với ứng dụng công nghệ thông tin và huy động sự tham gia của nhiều thành phần xã hội để triển khai hoạt động này. Bảo đảm phân bổ sinh phẩm, điều chuyển sinh phẩm xét nghiệm linh hoạt sẵn có và cấp phát dài ngày. Hỗ trợ kỹ thuật đào tạo trực tuyến về giám sát, tư vấn xét nghiệm sàng lọc phát hiện HIV. Triển khai ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện mới nhiễm HIV giúp cho việc phát hiện sớm và khống chế dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra còn phức tạp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử (https://tuxetnghiem.vn) triển khai tại 4 tỉnh/thành phố: Cần Thơ (tháng 11/2020), Hà Nội, Nghệ An (tháng 4/2021) và Bình Dương (tháng 11/2021). Kết quả bước đầu ghi nhận: Khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả “có phản ứng” và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

Trang Web được thiết kế với mục đích tăng cường tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV một cách tiện lợi, bảo mật và thân thiện hơn. Khách hàng có thể tạo tài khoản của riêng mình tại trang Web để đặt bộ kit tự xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, nhằm giúp khách hàng biết cách sử dụng, trên trang web có một video minh họa cùng với hướng dẫn từng bước thực hiện xét nghiệm và đồng thời trong mỗi bộ xét nghiệm đều có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và có hình ảnh từ nhà sản xuất.

Từ trang web, khách hàng có thể chọn cách kit xét nghiệm được vận chuyển đến cho họ hoặc tự đến lấy tại địa điểm được thông báo trên trang web. Bộ tự xét nghiệm sử dụng một lần bao gồm một que thử, một ống xét nghiệm, một giá đỡ và một hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Khách hàng có thể làm xét nghiệm ở nhà hoặc ở bất cứ nơi nào họ thấy thoải mái và có kết quả trong vòng 20 phút.

Trên trang web cũng có số điện thoại đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ ngay nếu cần. Khách hàng cũng có thể đặt lịch tư vấn trong qua trang web hoặc liên hệ với tư vấn viên về những vấn đề cần hỗ trợ.

Tuy không bắt buộc nhưng khách hàng được khuyến khích nên chia sẻ kết quả của họ để cán bộ y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng có thể hỗ trợ họ kết nối với dịch vụ sau xét nghiệm. Sau khi chuyển test cho khách hàng, các cán bộ y tế và nhóm đồng đẳng viên sẽ hỏi thăm, tư vấn và hỗ trợ kết nối khách hàng với các dịch vụ HIV như xét nghiệm khẳng định, điều trị ARV hoặc PrEP tùy theo kết quả xét nghiệm.

Cục cũng đã có hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” và đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hàng chục nghìn bộ tự xét nghiệm HIV được vận chuyển, chuyển phát qua đường bưu điện hoặc là được giao tới cho những người có nhu cầu xét nghiệm. Đa số khách hàng đặt mua bộ xét nghiệm đều là nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới và ở độ tuổi từ 19 đến 24, trong đó khoảng 30% chưa từng xét nghiệm HIV trước đó, 85% khách hàng đặt mua bộ tự xét nghiệm cho biết chính những nội dung trực tuyến đó đã khiến họ muốn xét nghiệm HIV. Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do COVID-19 là một biện pháp cần thiết để bảo đảm những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 mà không bị gián đoạn.

Cũng tại Hội thảo, đại biểu đã được đại diện tổ chức USAID chia sẻ về Chương trình tự xét nghiệm do PEPFAR hỗ trợ Việt Nam. Trong đó, khuyến nghị cần tăng tiếp cận sinh phẩm tự xét nghiệm HIV; mở rộng sự sẵn có của sinh phẩm xét nghiệm HIV có chất lượng, giá tốt; đa dạng kênh truyền thông và chiến lược tiếp thị để tăng thực hành tự xét nghiệm HIV; tối ưu hóa với nhiều kênh phân phối khác nhau và đi kèm các xét nghiệm khác (giang mai, viêm gan B, viêm gan C…); đơn giản hóa quy trình quản lý và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường cho các sản phẩm tự xét nghiệm HIV mới.

Đại diện Dự án PATH Healthy Market chia sẻ về quá trình thí điểm tự xét nghiệm HIV tới mở rộng dịch vụ hướng tới thị trường bền vững với nhiều lựa chọn sản phẩm và đa dạng hóa mô hình phân phối.

}
Top