Tuyên truyền gắn với phòng ngừa vi phạm mại dâm
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm của tỉnh Lạng Sơn luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm tuyên truyền theo hướng sâu, rộng, liên tục; đồng thời kiểm tra, quản lý địa bàn sát sao, thường xuyên hướng dẫn các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhằm phòng ngừa phát sinh các vi phạm xảy ra.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện toàn tỉnh có 849 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn tỉnh (giảm gần 200 cơ sở so với năm 2022), trong đó có 355 nhà nghỉ, khách sạn; 212 nhà trọ; 262 cơ sở karaoke; 16 cơ sở massage, 4 vũ trường. Trong 2 năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19 việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện còn hạn chế, thế nhưng hiện nay, nhất là trong 8 tháng đầu năm 2023, công tác này đang được đẩy mạnh, qua đó góp phần đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.
Từ đầu năm 2023, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống mại dâm; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức 1.120 cuộc tuyên truyền thu hút trên 100.260 lượt người tham dự; xây dựng 1.410 pano, băng rôn, khẩu hiệu; 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất 1 hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm; phối hợp, tuyên truyền 2.247 lượt tin, bài, phóng sự trên hệ thống báo, đài, trang thông tin điện tử của các ngành, trang facebook…; in 4.900 tờ rơi, lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội ở các địa bàn.
Sở LĐTB&XH đã hướng dẫn, chỉ đạo phòng LĐTB&XH- dân tộc các huyện, Phòng LĐTB&XH thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền lồng ghép các nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống mại dâm được 527 cuộc tới gần 32.200 lượt đại biểu tham gia, xây dựng 464 pano, áp phích, in tờ rơi…; Sở VHTT&DL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc biên tập tài liệu tuyên truyền gửi cơ sở, tổ chức 30 buổi tuyên truyền thu hút trên 100.000 lượt người xem và nghe; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mại dâm, phòng, chống tội phạm với hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động trước các buổi chiếu phim phục vụ người dân tại cơ sở được 424 buổi chiếu, phục vụ khoảng trên 40.000 lượt người nghe, xem…
Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, thời gian qua, các lực lượng chức năng như: Công an tỉnh, đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm (Đội 178) từ tỉnh đến các huyện, thành phố… đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn. Cụ thể, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước có liên quan kiểm tra 312 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 18 vụ với số tiền 132 triệu đồng; phát hiện và bắt giữ 2 vụ, 10 đối tượng hoạt động mại dâm; đã khởi tố 2 vụ, 2 bị can, xử lý hành chính 8 đối tượng. Sở VHTT&DL kiểm tra 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh; xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 8 triệu đồng…
Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định, không hình thành tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, hoạt động mại dâm đơn lẻ, tự phát vẫn diễn ra, nhất là các đối tượng môi giới mại dâm, bán dâm tự do hoặc qua trang mạng zalo, facebook.
Hoạt động mại dâm trá hình dưới hình thức tiếp viên nữ phục vụ hát karaoke và xuất hiện các hành vi, loại hình mại dâm biến tướng dưới dạng tinh vi, xảo quyệt hơn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát, đấu tranh, truy quét… Thực tế cho thấy, phòng, chống mại dâm là lâu dài, thường xuyên, do đó xác định cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, quản lý, kiểm soát tốt địa bàn kết hợp tăng cường kiểm tra là những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống mại dâm hiệu quản.
Vĩnh Hoàng