Tuyên truyền, giáo dục về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm cho học sinh Đắk Nông
(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (15-16/12), Sở GD&ĐT Đắk Nông phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cho hơn 2.000 em học sinh các trường THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Học sinh được quan sát các mẫu vật trưng bày tại chương trình
Đây là chương trình nhằm thực hiện Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc triển khai 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021. Đắk Nông là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Tại chương trình, các em học sinh được thông tin kiến thức pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy đối với học sinh; nhận diện các loại ma túy mới và tác hại của các loại ma túy đó; trau dồi kỹ năng nhận diện và xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy; giảm kỳ thị đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS…
Đặc biệt, các em học sinh được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của chuyên viên Viện PSD. Họ là những người đã từng lầm lỡ sử dụng ma túy, đã cai nghiện ma túy thành công và trở thành những chuyên gia của Viện PSD, góp sức mình trong công cuộc phòng chống ma túy.
Chia sẻ sau chương trình, em Võ Thị Ngọc Ánh, lớp 11C2 trường THPT Chu Văn An cho biết: “Em cảm thấy chương trình này rất mới, có nhiều kiến thức. Sau chương trình, em thấy rằng, ma túy đáng sợ hơn những gì em nghĩ. Em có thêm kỹ năng sống, cách nhận biết các loại ma túy, cách ứng xử khi gặp tình huống về ma túy. Em cũng sẽ tuyên truyền về tác hại của ma túy cho bạn bè, người thân để mọi người cảnh giác”.
Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Đắk Nông chú trọng công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong học đường. Hằng năm, Đắk Nông đã tập trung tuyên truyền, giáo dục về hiểm họa của các loại ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy mới, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách mới về công tác cai nghiện ma túy… Đồng thời, tăng thời lượng tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy với nhiều hình thức: phim, phóng sự điều tra vụ án, phóng sự về tác hại của ma túy và chất hướng thần trong giới trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, trong những chương trình trước đây, các em học sinh không được tận mắt quan sát các mẫu vật về ma túy, mà chỉ được quan sát qua các hình ảnh, video clip… Đây cũng là một trong những lý do khiến việc tuyên truyền chưa thực sự đạt được hiệu quả.
Cô Lê Thị Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Những chương trình tuyên truyền về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong học đường như thế này rất có ích. Vì trong chương trình học, không có môn học riêng về ma túy và tác hại của ma túy, các thầy cô mới chỉ lồng ghép kiến thức vào các môn học. Đây sẽ là dịp để học sinh được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để phòng tránh ma túy cho học sinh. Tôi cũng mong muốn các cấp sẽ đẩy mạnh các công tác tuyên truyền để học sinh có kiến thức toàn diện”.
Những chương trình tuyên truyền có giáo cụ trực quan như thế này sẽ là dịp để các em học sinh được thu nhận kiến thức toàn diện, trực tiếp về ma túy, tác hại của ma túy, có đầy đủ kỹ năng thực tế để phòng tránh cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong thời gian tới, Viện PSD sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT các địa phương để tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho học sinh; Khảo sát thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học; Thí điểm xét nghiệm ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh trong trường học; Triển khai bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho học sinh trung học và công tác xã hội hóa thực hiện công tác phòng chống ma túy.