Tuyên truyền phòng, chống ma túy qua hoạt động xét xử
(Chinhphu.vn) - Thông qua xét xử các vụ án ma túy để tuyên truyền nhằm răn đe, nâng cao tính giáo dục phòng ngừa chung về hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Khoảng giữa tháng 4, TAND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc mở 3 phiên tòa hình sự xét xử lưu động, rút kinh nghiệm về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự và tội “Tàng trữ hàng cấm” quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự.
Vụ án được xét xử lưu động tại Hội trường UBND xã Tử Du, huyện Lập Thạch thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn đến dự.
Trong quá trình xét hỏi, luận tội, tranh tụng, thẩm phán và các thành phần tham gia xét xử đã lồng ghép tuyên truyền về các quy định của pháp luật trong đấu tranh, xử lý người phạm tội về ma túy, tác hại của ma túy.
Tại Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2024 đến nay, TAND các cấp trong tỉnh đã tổ chức gần 140 phiên tòa xét xử lưu động đối với 150 bị cáo, trong đó, có gần 120 phiên tòa về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Điểm mới trong công tác xét xử lưu động loại án này là Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tổ chức các phiên tòa xét xử đến tận thôn dân cư, trường học, giúp việc tuyên truyền cho người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên về các quy định của pháp luật trong phòng, chống tội phạm ma túy được hiệu quả hơn.
Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, nhận thức của nhân dân về phòng, chống ma túy đã được nâng lên; tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, tại nhiều địa phương trên cả nước, việc xét xử lưu động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật tại địa phương nói riêng và đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Lựa chọn án điểm về ma túy để đưa ra xét xử
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tính giáo dục phòng chống ma túy và triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2024, ngày 5/6, TAND tối cao đã có công văn đề nghị Tòa án Quân sự Trung ương, các TAND cấp cao, TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát kế hoạch xét xử của đơn vị, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn những vụ án điểm về ma túy để đưa ra xét xử trong tháng 6/2024 bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Thông qua công tác xét xử, các đơn vị Tòa án đấy mạnh công tác tuyên truyền nhằm răn đe, nâng cao tính giáo dục phòng ngừa chung về hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, hướng tới "Vì một cộng đồng sạch ma túy".
Các TAND phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc cùng cấp triển khai quyết liệt các giải pháp chuyển hóa "địa bàn cấp xã không ma túy", tiến tới mục tiêu "huyện không ma túy, tỉnh không ma túy"
Các TAND cấp huyện khẩn trương phối hợp với các Trung tâm đang quản lý người nghiện tổ chức các phiên họp để xem xét, giải quyết các hồ sơ đủ điều kiện để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 21 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong phạm vi đơn vị mình.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đề tuyên truyền kết quả xét xử các vụ án về ma tuý, nhằm phục vụ tích cực, có hiệu quả yêu cầu của Tháng hành động phòng, chống ma túy; đồng thời nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý trong quần chúng nhân dân.
Phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm người, văn hóa vùng miền, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
Hoàng Giang