 |
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm. Nội dung tuyên truyền tập trung truyền tải các chủ trương, chính sách, giải pháp liên quan đến công tác can thiệp, giảm tác hại, giảm kì thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm được đưa vào chương trình hành động phòng, chống tệ nạn xã hội của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể; tổ chức quán triệt sâu rộng tới đội ngũ cán bộ cơ sở, người dân ở cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các ban ngành, đoàn thể, địa phương đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có nhiều người di cư, các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế số người tham gia mại dâm.
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, đến nay 60/63 tỉnh, thành phố (đạt 95,2% chỉ tiêu kế hoạch) có các xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức 652.145 cuộc truyền thông tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm với hơn 48 triệu lượt người tham gia (đạt 107% so với giai đoạn trước); phát 8.724.209 tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu,…) đến cơ sở; 124.167 lượt cán bộ thuộc mạng lưới báo cáo viên tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên tại địa phương đã được tham gia các khóa tập huấn chuyên ngành về phòng, chống mại dâm.
Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu 100% các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình, nội dung truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, internet,...; 100% cấp ủy đảng, chính quyền được quán triệt, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm. Các bộ, ngành trung ương và địa phương sẽ tập trung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức truyền thông, thông tin, giáo dục về tệ nạn mại dâm và công tác phòng, chống mại dâm cho các đối tượng, kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tuyên truyền về tác hại, hậu quả đối với sức khỏe con người, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường thực hiện và đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm. Tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan.