Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi điều trị PrEP
(Chinhphu.vn) - Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được chứng minh là một biện pháp dự phòng hiệu quả giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, để PrEP phát huy tối đa tác dụng, người sử dụng cần được cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện, được theo dõi và hỗ trợ chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị. Ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động này.
Tư vấn PrEP trực tuyến và qua ứng dụng di động
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc triển khai các dịch vụ tư vấn PrEP trực tuyến và qua ứng dụng di động mang lại nhiều lợi ích: những người sử dụng PrEP có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về PrEP, đặt câu hỏi và nhận tư vấn từ các chuyên gia y tế thông qua các nền tảng trực tuyến, mà không cần phải đến trực tiếp cơ sở y tế. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người ngại khám chữa bệnh vì e ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, các ứng dụng di động còn cung cấp nhiều tiện ích như tra cứu thông tin, đánh giá nguy cơ, tìm địa điểm cung cấp PrEP và nhắc nhở lịch uống thuốc. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người sử dụng các ứng dụng di động này có tỉ lệ tuân thủ điều trị PrEP cao hơn đáng kể so với nhóm không sử dụng. Điều này cho thấy, các ứng dụng này giúp người sử dụng PrEP chủ động hơn trong việc quản lý sức khỏe của bản thân.
Tại Việt Nam, có thể dễ dàng đặt lịch hẹn tư vấn online qua website của các phòng khám cộng đồng, hoặc các CBO/DNXH, khách hàng cũng có thể đặt test tự xét nghiệm và nhận được tư vấn chuyên môn tiếp cận PrEP thông qua website www.tuxetnghiem.vn. Các ứng dụng khác như mạng xã hội : facebook, X(Twitter), Zalo… Hay các ứng dụng hẹn hò như: Blued (Heesay), Jack'D,.. cũng là một trong những kênh đắc lực bậc nhất khi có thể giao tiếp trực tiếp/trò chuyện với khách hàng bất kể thời gian hay địa điểm, điều này tạo điều kiện thuận lợi kết nối và hỗ trợ cộng đồng liên tục và bền vững.
Việt Nam cũng đã triển khai mô hình Dịch vụ điều trị PrEP từ xa - TelePrEP từ năm 2022. Đây là dịch vụ y tế được cung cấp bằng cách bác sĩ, nhân viên tư vấn và khách hàng không có mặt trong cùng phòng và sử dụng công nghệ để nghe và nhìn thấy nhau, mô hình tạo điều kiện giúp khách hàng có thể tham vấn, thăm khám từ xa, giảm kì thị và gia tăng đa phương thức để triển khai PrEP.
Hệ thống quản lý thông tin điều trị PrEP
Xây dựng hệ thống quản lý thông tin điều trị PrEP cũng là một giải pháp quan trọng nhằm theo dõi, đánh giá quá trình điều trị của từng cá nhân một cách chính xác và hiệu quả hơn. Tại Việt Nam, hệ thống lưu trữ quản lý dữ liệu như HIV Info, hay Công cụ Quản lý Cung ứng thuốc trong điều trị và dự phòng HIV (HMED), hệ thống này cho phép lưu trữ và truy xuất các thông tin quan trọng như kết quả xét nghiệm, tình trạng dùng thuốc, tác dụng phụ và các chỉ số sức khỏe liên quan. Nhờ đó, bác sĩ và nhân viên y tế có thể nắm bắt tình hình điều trị của người bệnh, phát hiện sớm các vấn đề phát sinh và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hệ thống này cũng hỗ trợ việc quản lý lịch hẹn tái khám, theo dõi tình hình tuân thủ điều trị và tổng hợp số liệu thống kê. Việc sử dụng hệ thống quản lý thông tin này giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ tuân thủ điều trị PrEP, từ 80% lên 90%. Điều này cho thấy hệ thống quản lý dữ liệu không chỉ hỗ trợ các nhân viên y tế mà còn giúp người hỗ trợ sử dụng PrEP tự quản lý và duy trì việc điều trị tốt hơn.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PrEP
Việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (ML) trong phòng ngừa HIV, đặc biệt là trong ứng dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), là một lĩnh vực mới nổi nhằm nâng cao các chiến lược chống lại dịch HIV. Trong lĩnh vực PrEP, AI có thể được sử dụng để phân tích hành vi, đánh giá nguy cơ và dự đoán khả năng tuân thủ điều trị của từng cá nhân dựa trên các dữ liệu được thu thập.
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu về hành vi và tình trạng sức khỏe của người dùng PrEP đã giúp dự đoán chính xác hơn những người có nguy cơ bỏ trị cao. Từ đó, hệ thống có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp, như tăng cường tư vấn cho những người này hoặc điều chỉnh lịch hẹn tái khám cho những người có mức độ tuân thủ tốt. Việc ứng dụng AI giúp cá nhân hóa việc chăm sóc và nâng cao hiệu quả can thiệp.
Kết nối và chia sẻ thông tin
Công nghệ thông tin cũng cho phép kết nối và chia sẻ thông tin giữa người sử dụng PrEP, nhân viên y tế và các bên liên quan một cách thuận tiện và bảo mật. Các nền tảng trực tuyến có thể tạo không gian để người sử dụng PrEP chia sẻ kinh nghiệm, hỏi đáp thắc mắc và hỗ trợ, động viên lẫn nhau. Điều này đã được thực hiện ở nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP ở Việt Nam, giúp tăng tỉ lệ tuân thủ điều trị và duy trì việc sử dụng PrEP.
Đồng thời, hệ thống cũng cho phép chia sẻ thông tin, hướng dẫn chuyên môn giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm chất lượng dịch vụ được cung cấp. Việc chia sẻ dữ liệu và thông tin cũng hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá và nghiên cứu về PrEP ở các cấp độ khác nhau.
Thách thức và định hướng tương lai
Bên cạnh những lợi ích, ứng dụng công nghệ thông tin trong PrEP cũng đặt ra một số thách thức cần được quan tâm. Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân cần được giải quyết để bảo đảm quyền riêng tư cho người sử dụng. Khoảng cách số và khả năng tiếp cận công nghệ của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, cũng cần được cân nhắc.
Trong tương lai, cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ mới, tích hợp với các dịch vụ y tế và xã hội khác để mang lại lợi ích tối ưu cho người sử dụng PrEP. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ của nhân viên y tế và người sử dụng PrEP cũng rất quan trọng để tăng cường hiệu quả của các ứng dụng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội để cải thiện chất lượng và mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ tư vấn, quản lý và hỗ trợ điều trị PrEP. Với sự đầu tư thích đáng và nỗ lực không ngừng, công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào thành công của các chương trình PrEP nói riêng và công cuộc phòng chống HIV/AIDS nói chung.
Tống Nam