Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy

13/11/2023 17:05

(Chinhphu.vn) - Trước việc tội phạm lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội ma túy, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải tập trung triển khai các mặt công tác nghiệp vụ truyền thống kết hợp với phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy Nguyễn Văn Viện (thứ tư từ trái qua) chỉ đạo khám xét nơi ở đối tượng trong đường dây ma túy, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội - Ảnh: C04 cung cấp

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất về ma túy ở nước ta đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi liên tục chuyển từ phương thức phạm tội "truyền thống" sang phương thức hoạt động mới.

Các đối tượng và tổ chức tội phạm ma túy đã triệt để lợi dụng không gian mạng, thành tựu khoa học công nghệ mới mới, sẵn sàng đầu tư kinh phí để trang bị phương tiện, trang thiết bị liên lạc hiện đại có tính bảo mật cao; sử dụng mạng xã hội, hệ thống viễn thông và các sản phẩm về công nghệ thông tin, các trang thương mại điện tử để tiến hành liên lạc, giao dịch, trao đổi thiết lập và tổ chức các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn được kiểm soát bằng công nghệ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc phát hiện, theo dõi và điều tra của cơ quan chức năng.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã từng bước chuyển hướng các biện pháp công tác đấu tranh từ truyền thống sang hiện đại. Nhiều đơn vị linh hoạt trong việc nghiên cứu phương thức, thủ đoạn của tội phạm ở địa bàn, tuyến, lĩnh vực được giao quản lý để đấu tranh với tội phạm phù hợp, mang lại hiệu quả cao…

Mới đây, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tổ chức Hội thảo khoa học cấp hội đồng "Sử dụng phương tiện khoa học kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong tình hình hiện nay".

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện chủ trương "Áp dụng hiệu quả các thành tựu khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy" trong Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm về ma túy của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025.

Hội thảo đã tập trung tổng kết, đánh giá những những kinh nghiệm trong sử dụng phương tiện khoa học kỹ thuật trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn các đường dây, ổ nhóm phạm tội về ma túy. 

Qua đó định hướng một số giải pháp về nâng cao trình độ ứng dụng, sử dụng KHCN và phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại cho cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đề xuất xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn, xây dựng đề án tổng thể về việc trang bị và sử dụng các loại phương tiện khoa học kỹ thuật; ổ chức tập huấn, nâng cao trình độ ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ và phương tiện, trang thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, hướng tới việc chủ động nắm bắt và làm chủ phương tiện khoa học kỹ thuật.

Đồng thời tăng cườnghợp tác quốc tế với các quốc gia và các tổ chức có thế mạnh về KHCN, tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, chủ động phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát.

Một số phương thức, thủ đoạn các ông, bà trùm ma túy lợi dụng công nghệ

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, qua đấu tranh với chuyên án ma túy trong những năm gần đây cho thấy, công nghệ được các ông, bà trùm sử dụng đó là: Hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Instagram, Viber, Telegram, WhatsApp, Line, Wechat, Signal..., sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như: Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.

Các đối tượng cũng dùng "xe ôm công nghệ" để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa PP, dạ dày lợn...).

Các đối tượng cũng dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng videocall chỉ đạo "đàn em" hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.

Hoàng Giang

}
Top