Ứng phó kịp thời khi các nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm

31/12/2016 13:31

Trong khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh và hướng tới kết thúc, thì Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời, để duy trì và tăng số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị, chăm sóc sau khi hết các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác này.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Xin ông cho biết, trong khi nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm nhanh, người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn trong điều trị thuốc kháng ARV, thì Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV mang lại lợi ích gì cho người nhiễm HIV/AIDS?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chủ trương, chính sách lớn về an sinh xã hội, là trục an sinh xã hội quan trọng đối với người dân. Chính phủ lựa chọn BHYT là giải pháp thay thế chính cho điều trị HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế cắt giảm và kết thúc vì người nhiễm HIV cần được hưởng các chính sách của nhà nước về BHYT như những công dân khác.

Vì vậy, Quyết định 2188 là quyết định rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến BHYT cho người nhiễm HIV. Trong quyết định có những điểm đặc biệt quan trọng, là chủ trương đứng đắn ứng phó kịp thời khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh. Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải phấn đấu để bảo đảm 100% những người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.

Thứ hai, chúng ta phải có cơ chế phù hợp để có nguồn tài chính hỗ trợ đồng chi trả cho những người nhiễm HIV khi tham gia điều trị ARV, vì chúng ta biết người nhiễm HIV phải điều trị ARV suốt đời, do đó đồng chi trả gây khó khăn cho người điều trị, vì vậy quyết định 2188 cho phép tìm ra các cơ chế.

Thứ ba, chúng ta được phép đấu thầu thuốc ARV tập trung, thanh toán thuốc ARV tập trung, tăng cường hiệu quả điều phối thuốc ARV đối với các nguồn khác cho các bệnh nhân trên toàn quốc.

Thưa ông, ngành y tế có gặp khó khăn trong việc thực thi chủ trương trên của Chính phủ?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Chúng ta mới bắt đầu triển khai điều trị bằng BHYT cho những người nhiễm HIV/AIDS cho nên còn rất nhiều vướng mắc, đối với việc tăng độ bao phủ người nhiễm HIV/AIDS. Đây là vấn đề các chính quyền địa phương hết sức quan tâm, mặc dù chủ trương đã có nhưng chúng ta phải có cơ chế để truyền thông, vận động, huy động những người nhiễm HIV tham gia BHYT, những người trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề mua thuốc, đấu thầu thuốc ARV tập trung thì đây là vấn đề mới, Bộ Y tế đã trình chính phủ và Thủ tướng đã ban hành quyết định 2188 này, trong đó quy định tiến hành đấu thầu thuốc ARV tâp trung. Đây cũng là việc chúng ta mới làm lần đầu, nên cần rất nhiều thủ tục, quy định, hướng dẫn để triển khai.

Những vấn đề khác liên quan đến kiện toàn, phòng khám ngoại trú…đang là nội dung để chúng ta phải làm tiếp, vì hiện nay nhiều tỉnh, thành chưa làm xong công việc này.

Để nhanh chóng triển khai quyết định trong thực tế, việc trước tiên cần phải làm là khẩn trương đẩy nhanh tiến độ kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, nhằm bảo đảm đủ điều kiện và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS với các cơ quan BHYT tại địa phương. Xin ông cho biết, tiến độ kiện toàn các cơ sở điều trị?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Bộ Y tế bắt đầu kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có 2 văn bản gửi cho các tỉnh để thúc đẩy việc này. Chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều các buổi tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương để chúng ta triển khai kiện toàn.

Bên cạnh đó, hỗ trợ địa phương, đặc biệt là trong các nội dung liên quan đến đào tạo cán bộ… Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số các phòng khám, điều trị HIV/AIDS thì mới có khoảng 40% các phòng khám được kiện toàn, tức là đủ điều kiện để ký hợp đồng với BHYT. Các phòng khám khác thì hiện nay đang tiếp tục thực hiện kiện toàn nốt để phấn đấu trong năm 2017 phải tiến hành xong.

Đối với việc kiện toàn, các phòng khám gắn với bệnh viện có thể triển khai nhanh hơn, nhưng các phòng khám gắn với Trung tâm Y tế huyện một chức năng (chỉ có chức năng y tế dự phòng) thì hiện nay cũng đang phải thúc đẩy nhiều hơn nữa, vì chủ yếu các phòng khám này chưa được kiện toàn.

Ngành y tế sẽ có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giúp bảo đảm tiến độ thanh toán điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân qua BHYT vào năm 2017?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi phải tiếp tục đôn đốc các địa phương, rà soát lại tất cả các tỉnh, xem tỉnh nào còn đang khó khăn, vướng mắc và cử các đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với các cơ sở y tế để chúng ta có các lộ trình và kế hoạch triển khai cụ thể.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các tỉnh trong việc đào tạo cán bộ, đặc biệt là những phòng khám chuyển vào bệnh viện, nhưng cán bộ điều trị chưa được tập huấn theo yêu cầu.

Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tích cực tăng cường công tác đào tạo cán bộ, tăng cường kiểm tra giám sát tất cả các lộ trình, tiến trình của địa phương kiện toàn đến mức độ nào để thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc nhằm phấn đấu đến quý III/2017 có thể triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Vào thời điểm này các cơ sở điều trị y tế phải kiện toàn xong.

Quyết định 2188 đã quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV. Vậy ngành y tế nói chung, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng sẽ có những hỗ trợ gì để các tỉnh/thành phố có thể đạt được chỉ tiêu trong công tác này?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong quyết định 2188, Thủ tướng đã ra chỉ tiêu các tỉnh phải phấn đấu đạt 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Để đạt được việc này, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông. Đặc biệt là những người nhiễm HIV/AIDS cần có đủ thông tin, hiểu được sự cấp bách của việc tham gia BHYT, càng sớm càng tốt.

Quy định không có nghĩa là các tỉnh phải mua hết BHYT cho bệnh nhân, mà là vận động những người có điều kiện phải tự chi trả, chủ động tham gia mua thẻ BHYT. Đối với những trường hợp khó khăn, không có khả năng mua thì các địa phương bố trí các nguồn hỗ trợ phù hợp theo Quyết định 2188 đã quy định để bảo đảm tất cả những trường hợp nhiễm HIV đều có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, đối với Bộ Y tế, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đặc biệt là tiến độ kiện toàn điều trị HIV/AIDS.

Xin ông cho biết, thời gian tới ngành y tế sẽ có những hoạt động gì để đạt được mục tiêu 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020?

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Muốn đạt được mục tiêu này thì có rất nhiều việc phải làm là tăng được người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT, khẩn trương kiện toàn xong, thúc đẩy nhanh việc mua thuốc ARV từ nguồn BHYT và có cơ chế thanh toán phù hợp.

Đặc biệt, Bộ Y tế được giao mua thuốc ARV càng sớm càng tốt, nên hiện Bộ đang khẩn trương hoàn thiện Thông tư liên quan đến triển khai quyết định 2188, trong đó có nội dung liên quan đến việc mua thuốc.

Chúng tôi đặt phấn đấu đầu năm 2017 có thể tiến hành triển khai đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT, khi có thuốc thì chúng ta có thể tiến hành thanh toán chi trả cho bệnh nhân bằng nguồn bảo hiểm, bắt đầu từ quý III/2017.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top