Ưu tiên mở rộng đối tượng điều trị PrEP để giảm lây nhiễm HIV

20/01/2021 17:00

Dịch HIV/AIDS đang được kiểm soát chặt chẽ tại, tuy nhiên quan ngại trong tình hình dịch hiện nay là số người trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) nhiễm HIV đang gia tăng mạnh mẽ, do đó ngành Y tế cho rằng ưu tiên mở rộng đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là việc làm cần thiết hiện nay, nhằm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng và đặc biệt trong nhóm MSM.

 Cộng động MSM diễn thời trang truyền thông cho chương trình PrEP. Ảnh: Thùy Chi

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2017 đến nay ngành Y tế đã mở rộng PrEP tại 27 tỉnh, thành phố. Tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.625 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020.

Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở; hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.

Qua theo dõi gần 2 năm triển khai điều trị PrEP, chỉ có 8 khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do không tuân thủ điều trị, không có khách hàng nào bị nhiễm HIV khi tuân thủ điều trị tốt. Nếu so với nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội qua theo dõi 1.498 MSM không điều trị PrEP sau 12 tháng có 56 trường hợp MSM dương tính với HIV (chiếm tỷ lệ 3,73%) thì việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã làm giảm tới hơn 98% ca nhiễm HIV.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm MSM (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).

Trong bối cảnh hình thái dịch HIV của Việt Nam chuyển sang lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và nhóm MSM được coi là nhóm nguy cơ chính gây dịch HIV ở Việt Nam trong thời gian tới, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ -TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ lệ người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030"…

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động điều trị PrEP cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Theo đó, vào năm 2021 sẽ điều trị cho 38.000 khách hàng tại 27 tỉnh/thành; năm 2022 sẽ điều trị cho 46.500 khách hàng, năm 2023 là 55.000 khách hàng, năm 2024 sẽ đạt được 63.500 khách hàng và năm 2025 là 72.000 khách hàng.

Các đối tượng đích được mở rộng là MSM, cặp bạn tình dị nhiễm (ưu tiên nhóm chưa hoặc mới điều trị ARV), chuyển giới, phụ nữ bán dâm, tiêm chích ma túy và các nhóm có nhu cầu.

Các mô hình mới được triển khai, bao gồm: Điều trị PrEP thông qua hệ thống nhà thuốc; điều trị PrEP từ xa (PrEP online); điều trị PrEP tại Trung tâm Y tế xã hoặc kết hợp các mô hình; thí điểm và mở rộng tiếp thị xã hội về PrEP…
}
Top