Vai trò của kiểm sát trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

04/02/2022 09:32

(Chinhphu.vn) - Đối với việc kiểm sát trong xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Pháp lệnh quy định, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Vai trò của kiểm sát trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Viện kiểm sát tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất

TAND tối cao đang dự thảo Pháp lệnh (lần 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, TAND tối cao cho biết, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc các trường hợp đó là: Khi người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về mục đích xây dựng Pháp lệnh, theo TAND tối cao nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi.

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy; áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đồng thời, bảo vệ quyền của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp với tinh thần và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi.

Chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết

Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 46 điều. Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Pháp lệnh nêu rõ, người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy.

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết khi xét thấy không có biện pháp khác phù hợp hơn.

Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bí mật riêng tư của người bị đề nghị phải được tôn trọng và bảo vệ.

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng thời, bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án là tiếng Việt.

Người bị đề nghị, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch.

Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư; Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Bảo đảm quyền của người bị đề nghị được giải trình trước Tòa án, tranh luận với cơ quan đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Pháp lệnh quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc Tòa án nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của TAND cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Đối với việc kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Pháp lệnh quy định, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Cùng với đó, Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.

Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.

Về những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp, dự thảo Pháp lệnh nêu rõ, bao gồm: Là người thân thích của người bị đề nghị; đã tiến hành xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó; đã tiến hành việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó; có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Theo Bảo vệ pháp luật

}
Top