Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực công tác xã hội
Theo Bộ LĐTB&XH, bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực công tác xã hội (CTXH) vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Theo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%, khoảng 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý.
Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt).
Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, tuy nhiên các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
Cơ cấu các dịch vụ CTXH có sự kết hợp của các cơ quan/đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng, làm giảm hiệu quả của các chính sách phúc lợi xã hội. Việc cung cấp dịch vụ xã hội chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Trong những giai đoạn đầu, công tác xã hội chuyên nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Các dịch vụ CTXH chuyên sâu đối với các cá nhân, nhóm đối tượng đặc thù bắt đầu phát triển, bao gồm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dịch vụ chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình có nhu cầu, bảo trợ xã hội với người khuyết tật, người già, phụ nữ, trị liệu tâm lý xã hội, tham vấn, hỗ trợ mọi người trong cơn khủng hoảng, trợ giúp trong giải quyết các mối quan hệ.
Về những tồn tại, bất cập của pháp luật, đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có trên 15 Bộ luật, Luật; 7 Pháp lệnh và hơn 50 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung quy định CTXH là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện CTXH ở Việt Nam… Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phát triển mạng lưới cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; đào tạo công tác xã hội; truyền thông và hợp tác quốc tế phát triển nghề công tác xã hội.
Một số quy định về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, bạo lực gia đình đã được quy định tại nhiều bộ luật, luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều chương trình, Đề án liên quan đến trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và điều kiện thành lập, hoạt động và điều kiện giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ CTXH chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật; chưa có Luật quy định riêng về công tác xã hội làm cơ sở định hướng phát triển CTXH trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
Qua nghiên cứu, so sánh với pháp luật các nước cho thấy, nếu so với các nước phát triển trên thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực, thì các quy định liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt, ví dụ như thiếu quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, hay quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt của CTXH…. Với sự phát triển và ghi nhận của pháp luật, trên thế giới, CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm; công tác xã hội chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia, tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội đào tạo công tác xã hội thế giới.
Theo Bộ LĐTB&XH, vấn đề bất cập nêu trên không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, bằng tuyên truyền, giáo dục,… mà đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, can thiệp bởi pháp luật và đặc biệt là cần ban hành một đạo luật để giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến CTXH, nhất là vai trò, nhiệm vụ của CTXH; quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội, điều kiện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (những vấn đề bắt buộc phải điều chỉnh bằng luật theo tinh thần Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp); cùng các cơ chế và chính sách huy động các nguồn lực từ xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào CTXH, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân đối với CTXH, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như giải quyết các vấn đề xã hội còn tồn tại hiện nay có hiệu quả, khả thi.
Mặt khác, việc ban hành văn bản về CTXH dưới hình thức một đạo luật mới có thể thể chế hóa cũng như phù hợp với tinh thần Điều 34, Điều 59 Hiến pháp năm 2013: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Chính vì vậy, theo Bộ LĐTB&XH, cần sớm xây dựng và ban hành Luật CTXH. Việc xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Công tác xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực mà còn là sự quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân…” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII). Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: “…ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội”.