Vị bác sĩ cộng đồng trên ‘mặt trận’ phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Có lẽ từ Bắc chí Nam, các tổ chức cộng đồng, các chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã không còn xa lạ với cái tên bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, hay còn được gọi với cái tên thân thương hơn là chị Hỏa Hồ - một vị bác sĩ thấu hiểu và hỗ trợ cộng đồng bền bỉ trong nhiều năm qua trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Bác sĩ Thủ thường xuyên tham gia các hoạt động truyền thông, tư vấn hỗ trợ cộng đồng để nâng cao tiếng nói của những người yếu thế. Ảnh: Phát Trần
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ đã gắn bó nhiều năm với phòng khám Nhà Mình, nơi chuyên tham vấn, điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bán thuốc dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Với kinh nghiệm điều trị thực tế nhiều năm, luôn cập nhật những kiến thức về HIV/AIDS mới nhất của thế giới và với cộng đồng người nhiễm HIV, bác sĩ Thủ luôn được biết tới như một người tham vấn tin cậy, một "trùm cuối" khi không còn ai để bấu víu của cộng đồng.
Bác sĩ Thủ góp mặt từ rất sớm trong việc cung cấp các kiến thức, tài liệu hóa và biên soạn khá nhiều tài liệu cho các tổ chức hoạt động vì cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Ngoài ra, bác sĩ cũng là thành viên trong ban tổ chức nhiều giải thưởng, hoạt động ý nghĩa cho người nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và những người nguy cơ cao nhiễm HIV, trong đó nổi bật là giải thưởng Dải Băng Đỏ.
Từ năm 2007 - 2008, bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ đã làm website, tham gia dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tập trung vào nhóm song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT). Ra trường năm 2010, bác sỉ Thủ tiếp tục con đường ấy, mở rộng thêm địa hạt quan tâm, dấn thân sâu vào mảng HIV và cộng đồng LGBT. Đến năm 2013, bác sĩ Thủ gặp anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam ( VNP ) và trở thành "cạ cứng" trong những hoạt động thiện nguyện, tư vấn, chăm sóc cho người nhiễm HIV.
Trở thành bác sĩ của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là cơ duyên lớn của bác sĩ Thủ, nhưng ý nghĩa lớn nhất là làm hết mình vì cái tâm, vì vị bác sĩ thấy rằng mình đang giúp ích cho đời, cho người, kéo những người đang sống trong bóng tối ở phía cuối con đường ra để chiêm ngưỡng ánh sáng mặt trời. Mặc dù, vẫn có người hiểu nhầm tưởng rằng bác sĩ đang hoạt động vì lợi ích cá nhân, nhưng những bệnh nhân nhiễm HIV, cộng đồng người nhiễm và những người đang hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mới hiểu được vị bác sĩ này đang dốc tâm, dốc lòng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Khi mới ra trường, quyết định theo chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV là một quyết định thay đổi lớn của bác sĩ Thủ, không lựa chọn giống như những bác sĩ khác là theo những khoa làm việc dễ dàng và nhẹ nhàng, nhưng bố mẹ bác sĩ Thủ là người ủng hộ nhất. Do đó, trong các hoạt động thiện nguyện, gia đình luôn sát cánh bên cạnh anh, vì thế, gia tài lớn nhất của bác sĩ Thủ, đến thời điểm này, chính là những tài liệu, thông tin mà anh đã góp phần dịch và biên soạn, là những thương yêu của bệnh nhân có HIV và bạn bè, dù anh tự nhận là mình "dữ lắm, chửi người ta hoài".
Luôn hết mình vì công việc, nhìn vào bác sĩ Thủ, ai cũng thấy bác sĩ luôn dồi dào năng lượng, trong hầu hết các chương trình thiện nguyện, vì những người nhiễm HIV/AIDS, anh đều tham gia, chung tay góp sức để hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tích cực điều trị, cải thiện sức khỏe, tâm lý và cuộc sống.
Bác sĩ Thủ tâm sự: “Nhiều lúc làm việc quá sức, muốn “sập nguồn” nhưng những lúc mình đuối nhất, duyên trời run rủi lại cho một bệnh nhân đến nhờ mình hỗ trợ. Mình đâu bỏ được, vì mình là bác sĩ, và người ta không còn ai cả mới tìm đến mình là "trùm cuối" rồi. Giúp bệnh nhân xong, cảm xúc xưa như vọng lại, nhắc mình nhớ đến mục đích tốt đẹp đã đưa mình đến với công việc này, vậy là nhẹ cười rồi lại tiếp sự nghiệp".
Với bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, dù bệnh nhân là người nhiễm HIV và vô tình làm cho người khác bị nhiễm, thì họ vẫn đáng nhận được nhận sự hỗ trợ, họ có những khúc mắc, những trăn trở, và có thể có cả có những câu chuyện, mình cần thấu hiểu, chia sẻ để gỡ rối cho họ, để giúp họ chủ động phòng tránh lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng. Việc này không chỉ giúp cho chính họ mà còn có thể ngăn chặn được những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.
"Ai cũng có thể sai lầm, có thể gặp rủi ro. Chúng ta có thể bao dung với sai lầm của mình thì hãy bao dung với sai lầm của người khác nữa, cho người nhiễm HIV cơ hội sửa sai, nhất là khi họ có thể chẳng sai với mình. Với người làm nghề y như tôi, quan trọng là mình làm được gì cho họ bớt bệnh, hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng”, bác sĩ Thủ trải lòng.
Hơn 10 năm hoạt động vì cộng đồng, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Thủ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi biết mình nhiễm HIV đã muốn buông bỏ tất cả, mặc cho số phận quyết định. Hiểu được tâm lý của người bệnh, bác sĩ đã khuyên bảo tận tình để thay đổi suy nghĩ của người bệnh, giúp họ quyết tâm tham gia chữa trị. “Câu đầu tiên tôi luôn hỏi lại người đó và gia đình là, liệu họ có hối tiếc không khi quyết định như vậy, liệu chỉ có 5%, 10% cơ hội để sống tiếp, sống khỏe, để hạnh phúc, họ có muốn thử không? Thường thì họ sẽ nghĩ lại và muốn còn nước còn tát”, bác sĩ Thủ cho hay.
Bác sĩ Thủ là vị bác sĩ có tấm chân tình “đặc biệt” đối với bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Phát Trần
Chia sẻ ý kiến về vị bác sĩ luôn dành thời gian tâm huyết vì cộng đồng, anh Tống Văn Nam, Trưởng nhóm Kết Nối Trẻ (Bình Dương) - một nhóm hoạt động tích cực vì cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Ấn tượng của tôi về bác sĩ Thủ là một vị bác sĩ giản dị, hết lòng vì người bệnh. Trong các chương trình, trừ khi phải làm diễn giả, người bác sĩ này chỉ luôn ăn vận giản dị, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng và giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS khi cần thiết. Chị “Hỏa Hồ” là một bác sĩ cộng đồng đúng chất, sự thấu hiểu, chân thực, những kiến thức luôn mới mở, những câu chuyện luôn truyền cảm hứng giúp tôi học được rất nhiều ở anh từ cách tư vấn đến chăm sóc cộng đồng của mình”.