Vị bác sĩ đầu tiên đấu tranh chống căn bệnh thế kỷ ở Việt Nam

20/01/2017 15:00

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm nhưng ít ai biết được PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từng có những năm tháng “lăn lộn” với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đặc biệt, khi dịch HIV/AIDS xuất hiện, ông là người đầu tiên được Bộ Y tế cử đi học cách chẩn đoán, điều trị tại nơi tìm ra virus gây ra căn bệnh AIDS.

PGS. TS Nguyễn Văn Kính sinh năm 1959, quê ở Nam Định. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1982, TS Kính tốt nghiệp và tiếp tục được chọn học bác sĩ nội trú Bộ môn Truyền nhiễm - Đại học Y Hà Nội đặt tại bệnh viện Bạch Mai.

Năm 1985, tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên khoa I, ông được giữ lại trường làm giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm. Những năm tháng đầu gắn bó với nghề, bác sĩ Kính được Bộ Y tế cử đi học cách chẩn đoán điều trị bệnh HIV/AIDS tại Viện Pasteur Paris, Pháp. Năm 1995, ông bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ. Đến năm 2008 thì bảo vệ luận án Tiến sĩ y học.

PGS. TS Nguyễn Văn Kính (phải) thăm, động viên bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thùy Chi

“Duyên” nghề với căn bệnh thế kỷ

Chia sẻ về thời gian được cử đi học cách chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay, thời gian đó ông còn chưa biết HIV là gì, “nghe kinh khủng lắm dù ở Việt Nam chưa có ai nhiễm bệnh nhưng HIV/AIDS được xem như căn bệnh tử thần".

Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/1990 tại TPHCM. Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại TPHCM. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong cả nước đều đã phát hiện người nhiễm HIV.

Tính đến tháng 13/12/2002, theo số liệu báo cáo của các tỉnh thành, cả nước đã phát hiện 58.490 trường hợp nhiễm HIV, 8.718 trường hợp biến chuyển thành bệnh AIDS và 4.834 trường hợp đã tử vong. Lúc này, mọi người mới thực sự thức tỉnh, xem đây là căn bệnh tử thần. Kèm theo đó là sự phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV trở thành “báo động đỏ” khiến công tác phòng ngừa càng trở nên khó khăn hơn.

Thời gian này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính vừa kiêm nhiệm giảng viên vừa làm chuyên viên cho Ban Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế. Sau này dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đưa lên thành chiến lược phòng chống dịch HIV/AIDS cấp quốc gia và Cục Phòng, chống HIV/AIDS được thành lập. PGS.TS Kính khi ấy đã được tin tưởng, giao trọng trách làm Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Những năm tháng gắn liền với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS Kính không quên những lần đi tiếp xúc, tuyên truyền các biện pháp phòng chống AIDS cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Thời gian này, tình hình lây nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy và gái mại dâm, vì thế, mục tiêu của công tác phòng chống HIV lúc này là nhắm vào nhóm đối tượng đích.

Nhớ lại những lúc đi thực tế tại những “điểm nóng”, nhiều người tưởng ông là cảnh sát “ngầm” nên chuyến đi của ông bị thất bại. Tuy nhiên, mỗi lần đi là một lần rút ra những kinh nghiệm. BS Kính đã tìm tới trại giáo dưỡng cải tạo những phụ nữ là gái mại dâm để thuyết phục họ về làm cho chương trình giáo dục đồng đẳng.

Công việc nghe tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi phải có “chiến lược” vì những phụ nữ hoạt động mại dâm, nhiều người lo sợ bị kỳ thị, hoặc mất nghề. Có nhiều chị em mặc dù đã đồng ý, nhưng sau khi rời trại đã “lặn mất tăm”. Do đó, bác sĩ Kính đã phải nhờ Hội phụ nữ để hình thành được mạng lưới giáo dục đồng đẳng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Kính đã triển khai và phát triển mạng lưới ở các tỉnh, thành. Từ đó, tăng cường hoạt động chuyển giao các gói kỹ thuật  về can thiệp, phòng chống bệnh truyền nhiễm HIV; tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV thu hút hàng nghìn hội viên và các báo cáo viên nước ngoài tham gia.

Không phụ công sức của người bác sĩ luôn tận tâm với nghề, đến nay, mô hình giáo dục đồng đẳng đang là mô hình thành công nhất để can thiệp giảm tác hại trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Kính còn là người trực tiếp tham gia đóng góp, xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển thành công chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Rời khỏi Cục Phòng, chống HIV/AIDS về làm Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từ năm 2009, đến nay bác sĩ Kĩnh vẫn luôn “sát cánh” với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Bệnh viện này hiện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Đương đầu với những căn bệnh mới nổi

Khi căn bệnh thế kỷ lắng xuống cũng là lúc ông phải đương đầu với các dịch bệnh mới nổi như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, cúm A/H1N1, bệnh tiêu chảy cấp hay còn gọi là dịch tả, dịch sốt xuất huyết, Rubella, sởi, tay chân miệng… PGS.TS Nguyễn Văn Kính đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các căn bệnh này. Ông đã có nhiều công trình được công bố và ứng dụng tốt, như: Xây dựng mô hình quản lý, tư vấn, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng; nghiên cứu sản xuất chíp chẩn đoán nhanh các bệnh nhiễm trùng có thể thực hiện ngay ở cộng đồng; triển khai đề tài cấp nhà nước nghiên cứu đặc điểm dịch tể, lâm sàng bệnh chân tay miệng và đề xuất chủng EV71 làm vaccine dự phòng bệnh chân tay miệng…

Bên cạnh đó, nhiều người trong ngành Y và đồng nghiệp của ông ở trong nước và quốc tế còn biết về ông nhiều hơn bởi ông chính là tác giả của hàng trăm bài báo khoa học trong nước và bài báo nghiên cứu khoa học bằng tiếng nước ngoài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế, cùng với hàng chục cuốn sách đã xuất bản…

Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, lại chọn cái nghề làm bạn với dịch bệnh nguy hiểm, ông có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng với PGS.TS Nguyễn Văn Kính, ông không cho phép mình được ngần ngại trước hiểm nguy. Có lẽ vì thế nên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nơi ông làm quản lý từ một bệnh viện mang tiếng “bệnh lây nhiễm” đến nay lại trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân trên toàn quốc.

Ngoài tâm huyết với công việc chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Văn Kính còn là người thầy luôn tận tâm chỉ dạy đội ngũ sinh viên ngành y. Ông đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, vì vậy, những học trò được ông chỉ dạy đều có tâm với nghề, được đánh giá cao về thái độ và năng lực khám chữa bệnh.

Qua những năm tháng tận tâm cống hiến với nghề Y cao cả, PGS.TS Nguyễn Văn Kính đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; danh hiệu thầy thuốc ưu tú; Trí thức tiêu biểu trên mặt trận kinh tế; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân... Bệnh viện nơi ông quản lý ngày một uy tín, phát triển đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ ban ngành đánh giá cao: Danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; 2 năm liền nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ...

Hơn 30 năm cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp y tế với chuyên ngành truyền nhiễm, bằng tâm huyết và năng lực của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Kính đã trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng, chống những bệnh dịch truyền nhiễm ở Việt Nam. Điều mà vị bác sĩ này tâm đắc nhất, đó là giản dị, chân thành, không ngại khó và luôn chia sẻ để hướng tới thành công.
Top