Vị bác sĩ nặng lòng với người bệnh HIV
Say mê, nhiệt huyết, thấu cảm, luôn hết lòng với người nhiễm HIV… có lẽ từng ấy vẫn chưa đủ để nói về PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - người gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm hơn 20 năm nay.
Ký ức khó quên
Vào năm 1997, sau khi tốt nghiệp xuất sắc bác sĩ nội trú chuyên ngành truyền nhiễm, bác sĩ Đỗ Duy Cường được phân công tác trực tiếp điều trị cho bệnh nhân (BN) truyền nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai và trở thành giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm - ĐH Y Hà Nội. Dù tiếp xúc với rất nhiều bệnh truyền nhiễm nhưng ký ức của bác sĩ trẻ về người nhiễm HIV lúc bấy giờ luôn là một nỗi hoang mang, lo sợ bởi nói tới HIV là nói tới căn bệnh thế kỷ gây chết người, không thuốc chữa và bị mọi người xa lánh.
BS Cường (bên phải) đang thăm khám cho bệnh nhân
“Năm 1995, khi tôi học bác sĩ nội trú ở Bạch Mai thì tại đây xuất hiện BN đầu tiên nhiễm HIV của Hà Nội. Lần đầu tiếp xúc với BN tôi không dám tới gần hoặc chạm tay vào họ vì sợ lây. Dần dần số BN được phát hiện ngày càng tăng và tử vong ngày một nhiều gây tang tóc cho nhiều gia đình, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, khiến tôi muốn tìm hiểu sâu về lĩnh vực này”, BS Cường bồi hồi nhớ lại.
Vào đầu những năm 2000, dịch HIV diễn ra ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và hầu như không kiểm soát được, BS Cường cảm thấy bất lực khi hằng ngày chứng kiến các đối tượng mắc căn bệnh AIDS chủ yếu là những thanh niên tiêm chích ma túy, khi mắc giai đoạn cuối toàn thân lở loét rồi chết dần chết mòn. May mắn, sau đó nhờ có nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, BS Cường được tham gia triển khai các dự án chăm sóc và điều trị, cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) miễn phí cho người HIV tại các tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ... Đây cũng là quãng thời gian BS Cường được sống, chia sẻ cùng người có HIV và hiểu được các phương thức lây truyền, tìm ra phác đồ điều trị để hạn chế tử vong cũng như từng bước đẩy lùi việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
“Về các tỉnh chúng tôi mới chứng kiến “cơn bão” HIV tàn phá thật khủng khiếp. Đau lòng nhất khi về Quảng Ninh, tôi thấy một số phường ở Hạ Long, có nhiều thanh niên còn rất trẻ nhiễm HIV do tiêm chích ma túy, rồi lần lượt ra đi, để lại nghĩa địa toàn vòng hoa trắng. Tôi không thể quên hình ảnh cả một hội trường đông kín toàn phụ nữ góa chồng và những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở huyện đảo Vân Đồn đợi chúng tôi cả một ngày trời để mong nhận những viên thuốc ARV cũng như cách tư vấn điều trị do ngày ấy đường sá đi lại khó khăn. Điều này khiến những người làm dự án như chúng tôi thấy rất hạnh phúc, nhưng cũng không khỏi xót xa khi có nhiều BN vì bị kỳ thị mà chưa được tiếp cận với thuốc này. Chính giai đoạn ấy đã cho tôi nhiều kiến thức về chuyên môn, về sự cảm thông sâu sắc với những người mắc căn bệnh thế kỷ và càng thôi thúc tôi theo đuổi cái “nghiệp” gắn bó về lĩnh vực HIV”, BS Cường bày tỏ.
Trong khi người bệnh tiếp cận với thuốc ARV còn khó khăn, năm 2007-2012, BS Cường may mắn được Chính phủ cấp học bổng đi nghiên cứu sinh về đề tài HIV ở Viện Karolinska (Thụy Điển). Tại đây, được tiếp cận với nền y học tiên tiến và nhân văn, ông thấy người nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị có sức khỏe tốt, làm việc và sinh con đẻ cái bình thường. Điều quan trọng là người thầy thuốc có sự cảm thông sâu sắc và hỗ trợ cho BN về mặt tinh thần, coi đó là bệnh mạn tính…
Tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc, được một số tổ chức ở Thụy Điển giữ lại làm việc với mức thu nhập hấp dẫn nhưng TS Cường đã từ chối, vì anh muốn tiếp tục cống hiến những gì mình đã được học và hiểu sâu về nó cho BN của mình ở Việt Nam.
Người đem lại cuộc sống mới cho bệnh nhân HIV
Về nước, ông bắt tay vào xây dựng phòng khám điều trị cho BN nhiễm HIV. Các BN được phát hiện khi đến BV Bạch Mai thường ở giai đoạn muộn với nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội phức tạp nhưng được khám, tư vấn điều trị tận tình, được tôn trọng và được bảo mật danh tính nên nơi đây được chọn như là phòng khám kiểu mẫu về mô hình chăm sóc điều trị HIV ở miền Bắc. Việc tuân thủ tốt và có một cuộc sống tích cực, khỏe mạnh, tỷ lệ virus đạt dưới ngưỡng ức chế rất cao (trên 98%) được Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, PGS.TS Cường đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu, chủ trì nhiều đề tài về HIV cũng như có nhiều bài báo khoa học xuất bản trong nước và quốc tế, trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS ở Việt Nam. Ông cũng tham gia vào mạng lưới nghiên cứu HIV/AIDS châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác nghiên cứu HIV với nhiều tổ chức, đại học có danh tiếng trên thế giới như Đại học Oxford (Anh), Harvard (Hoa Kỳ), Viện Karolinska (Thụy Điển), ĐH Nagasaki (Nhật Bản)...
Bên cạnh đó, ông còn sát cánh cùng cơ quan quản lý chuyên môn của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS tham gia xây dựng Hướng dẫn quốc gia, biên soạn nhiều tài liệu về HIV/AIDS và trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị HIV tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa như Sơn La, Thanh Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn… Và ông nhận ra rằng, sau một thời gian tuân thủ điều trị người bệnh khỏe mạnh như người bình thường, có thể lập gia đình, sinh con không bị nhiễm và tiếp tục làm việc và đóng góp hữu ích cho xã hội.
“Chỉ cần nhìn ánh mắt, cử chỉ ân cần của người thầy thuốc, người bệnh thấy an tâm, hy vọng để sống có ích. Bệnh HIV khi được phát hiện thường bị ghẻ lạnh, xa lánh chứ không giống một số bệnh nan y thường được mọi người thăm hỏi. Nguy hiểm hơn, khi bị nhiễm HIV người bệnh sẽ sốc, trầm cảm và tìm đến cái chết hoặc có hành vi trả thù đời... Việc giấu bệnh, không đi khám và chữa trị sẽ dẫn đến suy giảm miễn dịch, tăng nhiễm trùng cơ hội, tử vong sớm nhưng khi họ được tiếp cận y tế và hỗ trợ tinh thần nó giống như người sảy chân rơi xuống vực được chúng tôi kéo lên bờ - tức là được sống - nó giống như một cái cây héo úa được tưới tắm mỗi ngày sẽ dần tươi tốt trở lại”, BS Cường khẳng định.
Giờ đây, mỗi khi nói chuyện về HIV, kinh nghiệm cũng như thành quả sau khi rời Thụy Điển về nước, vị bác sĩ này lại có cơ hội trải lòng mãi không dứt. Những lúc như này, thấy nếp nhăn trên gương mặt có vẻ “khắc khổ” của PGS.TS Đỗ Duy Cường như được giãn ra, khiến anh trẻ ra mấy tuổi. Cuộc nói chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi thi thoảng lại có BN gọi điện “khoe” đã có công việc mới, đã lập gia đình, sinh con mà con không nhiễm HIV…
BS Cường cho biết: “Có rất nhiều gia đình thấy con em mình nhiễm HIV, bị lở loét, nhiễm trùng cơ hội nặng, điều trị tốn kém đã đến gặp tôi xin về lo… hậu sự. Nhưng tôi đã động viên, đồng thời kêu gọi tài trợ để họ yên tâm ở lại chữa trị. Có người khi đến viện chỉ còn hơn 30 kg, đến khi lấy chồng, sinh con khỏe mạnh quay lại khám định kỳ tôi không thể nhận ra họ nữa, họ thực sự đã được hồi sinh”.
Sau hơn 10 năm thành lập, hiện phòng khám ngoại trú HIV của Trung tâm Bệnh nhiệt đới đang quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, duy trì cấp phát thuốc ARV cho hơn 2.000 người nhiễm HIV và điều trị chuyên sâu các nhiễm trùng cơ hội cho người HIV/AIDS. Chính sự tận tâm của những thầy thuốc nơi đây là “mắt xích” quan trọng đưa Việt Nam được xếp vào 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.