Vì một thế giới không còn bệnh AIDS
(Chinhphu.vn) - K =K (có nghĩa là khi tải lượng virus của người bệnh dưới 200 bản sao/ml máu thì được xác định là ngưỡng không phát hiện). Khi không phát hiện có nghĩa là không lây truyền virus cho người khác. Thông điệp này đã mang đến cho thế giới một niềm hy vọng, chúng ta sẽ chấm dứt bệnh AIDS trong thời gian gần đây.
Được bắt đầu tại Việt Nam từ năm 2019, đến nay, trải qua hơn 3 năm triển khai, Chiến dịch truyền thông K=K với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng, người nhiễm HIV và người cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về nội dung và ý nghĩa của thông điệp: Không phát hiện = Không lây truyền, đã làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh nan y mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.
Việt Nam cùng 3 nước châu Âu đứng đầu thế giới về điều trị AIDS
Nhờ sự bền bỉ, bài bản và quyết tâm, công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã đạt được những thành quả vượt bậc. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát. Tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư chỉ còn dưới 0,26%. Đặc biệt trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Phòng chống HV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long đã cho biết, ở Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Và đến hết năm 2021, các tiêu chí này vẫn được giữ vững. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả.
Tính đến hết tháng 12/2021, toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp.
Cả nước hiện đang triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV tại 33 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn các tỉnh dự án của PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ; ccó 478 cơ sở điều trị HIV (trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm y tế), 38 trại giam, 6 trung tâm và 2 trại tạm giam.
Bên cạnh đó, chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị của 63 tỉnh, thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Tính đến hết tháng 10, tại 3 tỉnh, thành phố thực hiện đề án thí điểm đã có hơn 1.100 bệnh nhân được cấp thuốc Methadone mang về nhà. Cũng đến hết tháng 10, hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố.
Các địa phương triển khai đa dạng mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS, trong đó đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội như các trang thông tin điện tử (website); Facebook, TikTok, các diễn đàn và truyền thông đại chúng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hạn chế tiếp cận trực tiếp. Các hình thức tiếp cận cộng đồng, truyền thông cá nhân, nhóm và các hình thức khác vẫn được triển khai đa dạng nhất là với các địa phương mà dịch COVID-19 không bị ảnh hưởng nhiều.
Tính đến nay, Việt Nam đã đạt 89% (213.000 người, ước tính 230.000 người) số người biết tình trạng nhiễm HIV, trong đó số người được điều trị ARV đạt 76% (khoảng 161.000 người), số đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.
Đặc biệt, cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người, trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV; đến ngày 19/8/2021 đã điều trị viêm gan C miễn phí được 1.623 bệnh nhân là người đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 30 tỉnh (86 cơ sở). Việc điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới.
Tình hình HIVAIDS ngày càng giảm nhanh và được kiểm soát tốt, đạt được các chỉ tiêu được giao; được cộng đồng quốc tế đánh gia là điểm sáng về phòng, chống HIVAIDS. Theo báo cáo của UNAIDS, trong khu vực, Việt Nam là nước có số ước tính ca nhiễm mới HIV năm 2018 giảm lớn nhất (64%) so với năm 2010. Số ca nhiễm mới HIV của Việt Nam năm 2018 chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số ca nhiễm mới HIV ước tính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ, trong đó tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%. Điều này cũng có nghĩa, nếu được phát hiện bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị, cứ 100 người thì có 96 người không có khả năng lây truyền cho người khác qua đường tình dục.
Các nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng: "Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính". Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là "Không phát hiện = Không lây truyền".
Một thông điệp nhân văn mà thế giới cùng hướng đến
Trên thế giới đã có sự đồng thuận rất lớn và rộng rãi về thông điệp K=K. Hiện đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K. Tại Việt Nam, thông điệp K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi, ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K là: Khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, định nghĩa là dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục.
Những bệnh nhân HIV/AIDS khi tuân thủ điều trị tốt, họ sẽ sống một cuộc sống bình thường, được quyền mưu cầu hạnh phúc, được kết hôn và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn của Chiến dịch truyền thông K=K.
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, K=K, nếu được hiểu một cách thấu đáo, tường tận thì sẽ giải tỏa tinh thần cho cả xã hội. Về phía bệnh nhân, họ tìm được một điểm tựa vững chắc để đặt niềm tin vào việc điều trị, hướng tới tương lai, thay vì mặc cảm, giấu giếm tình trạng sức khỏe.
K=K cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam đang làm rất tốt chỉ số thứ 3 trong mục tiêu 90-90-90, tức 90% người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus đạt được ngưỡng ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả hết sức tích cực, Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia trên thế giới, vẫn đứng trước những thách thức lớn để cùng nhau chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Một trong những khó khăn rất lớn hiện nay là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm. Đây là rào cản làm những người nhiễm HIV, những người có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, họ không đến tiếp cận xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm cũng như không điều trị. Chính họ là nguồn lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng để dịch lây lan. Làm thế nào để họ bình thường, coi đây là một bệnh dịch mãn tính, họ chủ động bởi vì chỉ có huy động được họ và họ chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho họ thì chúng ta mới thành công.
Vì vậy, chúng ta cùng chung tay để cộng đồng hiểu rõ ý nghĩa thông điệp này để cùng hy vọng chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra.
Giang Oanh