Vì sao “đại dịch” hiếp dâm lan tràn tại Ấn Độ
Những vấn đề xã hội thâm căn cố đế của Ấn Độ khiến cho đại dịch hiếp dâm ngày càng lan tràn tại nước này. Trong 4 thập kỷ qua, số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ đã tăng gần 900% vào năm 2011.
Mới đây, tin tức về vụ hiếp dâm rồi treo cổ 2 chị em gái bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ đã gây phẫn nộ trong dư luận. Ở đất nước mà cứ 22 phút lại xảy ra một vụ hiếp dâm này, vụ hiếp-giết ghê rợn trên vẫn khiến mọi người cảm thấy sốc.
Các nhà phân tích cho rằng hiếp dâm tập thể là bằng chứng của những vấn đề xã hội thâm căn cố đế ở Ấn Độ, đó là bạo lực tình dục theo chế độ phân biệt đẳng cấp, là sự thờ ơ của cảnh sát và sự nương nhẹ của hệ thống pháp luật với tội danh quấy rối tình dục.
Trong 4 thập kỷ qua, số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ đã tăng gần 900% tới mức 24.206 vụ vào năm 2011. Con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi có nhiều vụ hiếp dâm nhưng nạn nhân không dám khai báo. Họ thường phải chịu sức ép từ gia đình để giữ im lặng. Các nhà hoạt động ước tính chỉ có khoảng 10% số nạn nhân bị cưỡng hiếp ra trình báo, thậm chí tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều.
Thủ đô New Delhi từ lâu đã được coi là một “ổ dịch cưỡng hiếp” ở Ấn Độ. Đây chính là nơi đã diễn ra vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh trên xe bus hồi năm ngoái, và cũng là nơi mà một nữ du khách 51 tuổi người Đan Mạch bị nhiều thanh niên cưỡng hiếp vì lạc đường về khách sạn.
“Dịch cưỡng hiếp” cũng lan tràn ở bang Uttar Pradesh, nơi hai thiếu nữ trên bị hiếp dâm tập thể và bóp cổ đến chết. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày ở bang này có tới 5 phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Bang với 200 triệu dân này là một trong những nơi nghèo đói nhất Ấn Độ. Hơn 60 triệu người dân sống với mức thu nhập chưa đến 1,25 USD một ngày. Các chuyên gia cho rằng nạn nghèo đói chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến dịch cưỡng hiếp lan tràn ở Ấn Độ.
Những thanh niên tầng lớp trên “ăn no rửng mỡ” thường đi săn tìm những phụ nữ ở đẳng cấp dưới để thỏa mãn dục vọng đê hèn. Thống kê cho thấy, những phụ nữ thuộc đẳng cấp Dalit (dưới đáy xã hội) chiếm phần lớn trong số các nạn nhân bị hiếp dâm.
![]() |
Biểu tình phản đối nạn hiếp dâm tại Ấn Độ |
Ông SR Darapuri, Phó Chủ tịch Liên minh Dân quyền của bang Uttar Pradesh cho biết, theo phân tích số liệu các vụ hiếp dâm năm 2007, 90% nạn nhân thuộc đẳng cấp Dalit và 85% số nạn nhân này là trẻ chưa thành niên.
Trong khi đó, cảnh sát Ấn Độ thường xuyên phớt lờ các tội danh tình dục. Một cuộc điều tra năm 2012 của tạp chí Tehelka, Ấn Độ cho thấy tình trạng thờ ơ phổ biến của cảnh sát, nếu không muốn nói là thù địch đối với những nạn nhân bị tấn công tình dục. Một số cảnh sát còn cho rằng phụ nữ bị hiếp dâm là do họ “ăn mặc thoáng” hoặc cáo buộc nạn nhân là gái mại dâm.
Tình trạng trạng bàng quan thậm chí đã lan tới cấp cao nhất trong hàng ngũ quan chức của Ấn Độ.
Tháng trước, hai chính trị gia cấp cao của Đảng Xã hội ở Ấn Độ đã gây phẫn nộ khi đề nghị những người phụ nữ bị hiếp dâm hoặc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân cần phải bị treo cổ. Trong khi đó, những người bị buộc tội hiếp dâm phải được tha thứ.
Ông Abu Azmi, thành viên của đảng Xã hội ở Ấn Độ nói rằng, ông muốn những người phụ nữ bị buộc phải quan hệ tình dục trái với ý muốn của họ phải bị tử hình cùng với những kẻ phạm tội.
Lãnh đạo Đãng Xã hội, ông Mulayam Singh Yadav cũng cho rằng những người đàn ông bị buộc tội hiếp dâm phải được tha thứ bởi "con trai vẫn mãi chỉ là con trai mà thôi" và phụ nữ chính là người dụ dỗ họ phạm tội hiếp dâm.
Ông này nói rằng nếu đắc cử và trở thành Thủ tướng Ấn Độ, luật hiện hành cho phép xử tử tội phạm hiếp dâm sẽ bị hủy bỏ.