Việc làm cho người nghiện sau cai: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

13/11/2021 08:21

Có việc làm ổn định sau khi chữa trị, phục hồi là ước mơ của nhiều người nghiện sau cai (NNSC), là 'cầu nối' đưa họ trở lại với cuộc sống lành mạnh, là nhân tố giúp giảm nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên do trình độ, tay nghề hạn chế nên họ rất khó tìm được việc làm sau những va vấp cuộc đời và con đường trở lại sẽ còn nhiều gập ghềnh nếu chỉ trông vào các biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước mà không có sự trợ giúp từ cộng đồng xã hội.

Các đối tượng điều trị phục hồi tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, xã Hoàng Giang, Nông Cống

Gian nan hòa nhập

Anh L.V.T., ở xã Thọ Vực (Triệu Sơn), một NNSC cho biết: “Phải ở trong cuộc mới thấy sợ ánh mắt thương hại và sự kỳ thị đối với những đối tượng như chúng tôi. Bản thân tôi, dù đã cai nghiện thành công nhiều năm và có công việc ổn định, song cũng không hoàn toàn rũ bỏ được mặc cảm. Tôi biết nhiều người khác cũng vì bất lợi khi xin việc nên không nỗ lực học nghề”. Tương tự như vậy, anh H.V.D., ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), hiện đang làm việc tại một hãng taxi ở TP Thanh Hóa. Anh D. từng nghiện ma túy trong suốt 10 năm, hiện đã cai nghiện thành công, cho hay: “Sau nhiều năm vật vã với chất gây nghiện, tôi có cơ hội làm lại cuộc đời tưởng như bỏ đi của mình. Cùng với tình yêu thương của gia đình, những NNSC như tôi rất cần sự cảm thông, tin tưởng của cộng đồng. Tôi mong xã hội có nhiều công ty, doanh nghiệp dang rộng vòng tay để giúp chúng tôi làm lại cuộc đời”.

Bên cạnh một số người may mắn tìm được công việc như trên, thì đa số NNSC rất khó khăn khi tìm kiếm một công việc phù hợp. Như trường hợp anh N.Đ.T., xã Hạnh Phúc (Thọ Xuân), một học viên vượt lên chính mình, cai nghiện ma túy thành công tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, ở xã Hoàng Giang (Nông Cống) chia sẻ: Tại cơ sở tôi được học nghề mây giang xiên. Khi về địa phương, tuy tay nghề khá vững, nhưng tìm việc làm cũng rất khó, một phần vì định kiến xã hội với những người như tôi còn nhiều. Tôi đã chủ động tìm đến một số làng nghề xin nhận hàng về nhà làm, nhưng thu nhập quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống. Do vậy, tôi đã học nghề cơ khí và hiện đang mở cửa hiệu khung nhôm kính tại nhà có thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định. Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, những người bạn cùng với tôi khi trở về nộp hồ sơ ở một vài công ty nhưng chủ doanh nghiệp còn e ngại, định kiến với anh em chúng tôi nên nhiều người cũng gặp không ít khó khăn trong tìm việc làm.

Là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy, chủ trương tạo việc làm cho người nghiện sau khi đã chữa trị, phục hồi được thể hiện rõ trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, được triển khai với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn nên hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 10% số NNSC có việc làm ổn định. Các đối tượng ở thành phố, thị xã tỷ lệ có việc làm ổn định cao hơn các đối tượng ở nông thôn.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã điều trị cai nghiện cho 1.022 người, trong đó: tiếp nhận điều trị, cai nghiện mới cho 315 người; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 319 người. Số đối tượng sau cai nghiện ma túy có nhu cầu vay vốn, phát triển sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số tái hòa nhập cộng đồng. Tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu là do họ bị hạn chế về mặt thể chất và cả tâm lý. Mặc dù được điều trị tại các trung tâm, song sự suy yếu về sức khỏe, đã khiến cho NNSC gặp bất lợi khi đi xin việc. Mặt khác, ngành nghề đào tạo tại các trung tâm hiện nay tính khả thi không cao, dạy nghề mang tính đồng loạt, đa số người nghiện không thể ứng dụng những nghề được đào tạo sau khi trở về cộng đồng. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy bị kỳ thị rất lớn bởi người tuyển dụng và bị cạnh tranh gay gắt từ phía những người được đào tạo tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề bên ngoài. NNSC còn gặp trở ngại do kém năng động, thiếu tự tin thậm chí là tự ti khi tiếp xúc, trả lời phỏng vấn. Mặt khác, do nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể ở các cấp chưa cao, đặc biệt là chính quyền cấp xã, cộng đồng, khu phố, thôn xóm ít quan tâm đến NNSC. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý sau cai tại cộng đồng và hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện để phòng chống tái nghiện.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho NNSC, thì nên dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện thiếu việc làm và ưu đãi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phân công các ban, ngành, đoàn thể quản lý đối tượng sau cai; liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tốt các chương trình quản lý sau cai nghiện nói chung. Các địa phương cần nghiên cứu thiết lập và nâng cao năng lực cho các trung tâm làm nhiệm vụ tư vấn dạy nghề, học nghề có chất lượng và xúc tiến tạo việc làm cho NNSC trở về, nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả và bền vững.
Top