Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

11/01/2024 17:27

(Chinhphu.vn) - Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Đây là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế trong năm 2023 vừa được Bộ Y tế công bố.

Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, tháng 7/2023, đoàn đại biểu của Bộ Y tế tham dự Hội nghị lần thứ 12 về khoa học HIV (IAS) tại Australia. Tại sự kiện này, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên Hợp Quốc.

Trong đó, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Đặc biệt, cũng trong năm 2023, Ban Bí thư, Quốc hội đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Tiếp đến, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Luật đã bổ sung các quy định về chính sách, một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ; giảm thời gian xem xét để cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động… nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Trong Luật này, lần đầu tiên áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hội nhập quốc tế.

Trong năm 2023, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phải kể đến công tác tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định.

Tăng cường năng lực cảnh báo cho 45 tỉnh và nâng cao năng lực thực hiện PHCR cho 29 tỉnh. Thông qua dữ liệu các trường hợp mới được báo cáo, xét nghiệm gần đây và xác định các khoảng trống, hoàn thiện PHCR điển hình, ví dụ ở Kiên Giang, Cần Thơ và Cao Bằng. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai 33 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. Triển khai các hoạt động về Tele PrEP.

Đặc biệt, Việt Nam đã dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động K=K với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thứ bảy, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng PrEP vượt quá 65.000 người vào năm 2023. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, đã có tổng cộng 96.500 người tham gia chương trình. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, những mô hình linh hoạt và đa dạng để triển khai PrEP, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP tại Việt Nam…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, tính đến tháng 9 năm 2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận/ huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).

Thùy Chi

Top