Việt Nam – Lào chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều trị Methadone

13/03/2019 15:00

Sáng 13/3, tại trụ sở VPCP, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc gia (UBQG) phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ Lào và đại diện Cục quản lý lạm dụng chất nghiện và sức khỏe tâm thần (SAMHSA) về việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuơng trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thùy Chi

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng bày tỏ cảm ơn SAMHSA về những đóng góp cho công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam và mong muốn trong thời gian tới SAMHSA tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cai nghiện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tư vấn chính sách, tổ chức nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Đồng thời, đánh giá cao Văn phòng SAMHSA khu vực châu Á đã tổ chức cho Đoàn công tác Lào đến thăm, làm việc với các cơ quan liên quan ở Việt Nam, trong đó có Văn phòng Chính phủ, UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Ông Nguyễn Văn Tùng đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực phòng, chống ma túy và điều trị ma túy thời gian qua. Hai bên đã có thỏa thuận cấp Chính phủ, cấp bộ, địa phương; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và cùng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp về ma túy trên các tuyến biên giới.

Đại diện Đoàn công tác Lào, TS. Phouthone Muongpak, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào bày tỏ vui mừng đã được SAMHSA khu vực châu Á mời sang trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống ma túy ở Việt Nam, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Trong dịp này, Đoàn công tác Lào mong muốn tìm hiểu hệ thống quản lý và cơ chế thiết lập các cơ sở điều trị Methadone; tìm hiểu các khả năng cần thiết của các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong việc triển khai chương trình Methadone; tính bền vững của các cơ sở điều trị Methadone như các yêu cầu về kỹ thuật, sự sẵn có của thuốc, các quy định và hướng dẫn sử dụng Methadone; tìm hiểu sự tham gia của các thành viên gia đình và cộng đồng trong chương trình điều trị Methadone; nhu cầu của khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ khách hàng cũng như sự hài lòng của khách hàng trong chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Uỷ viên Thư ký UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm điều trị Methadone tại TP Hải Phòng và TPHCM từ tháng 4/2008. Đến nay, với kết quả thí điểm hết sức khả quan, chương trình đã được triển khai mở rộng ra 63/63 tỉnh thành, với 314 cơ sở và điều trị cho 54.355 bệnh nhân.

Chương trình điều trị Methadone được đánh giá đã hoàn thành tốt mục tiêu làm giảm sử dụng ma túy, giảm vi phạm pháp luật, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Đồng thời, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân. Qua đó khẳng định Methadone là biện pháp can thiệp hiệu quả nhất đối với nghiện ma túy trong hiện tại, là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng và đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã và Vụ Quan hệ Quốc tế chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác Lào và SAMHSA. Ảnh: Thùy Chi

Thời gian tới, để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng của chương trình điều trị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống ma túy và điều trị cai nghiện; tăng cường công tác phối hợp, giám sát, hỗ trợ trong việc tổ chức thực hiện chương trình; bảo đảm đủ thuốc và các trang thiết bị, nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của chương trình; thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực phòng, chống ma túy và điều trị cai nghiện ma túy.

}
Top