Việt Nam thảo luận tại LHQ về chống ma túy
Ngày 4/10, Ủy ban Các vấn đề văn hóa, nhân đạo và xã hội (Ủy ban 3) thuộc Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức phiên thảo luận chung đối với hai chủ đề về ngăn chặn tội ác và xét xử tội phạm; và kiểm soát ma túy quốc tế.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, đại diện của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã khẳng định việc đáp trả những thách thức về ma túy, tội phạm có tổ chức, tham nhũng và khủng bố đã hỗ trợ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện các khuyến nghị của văn kiện của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy thế giới (UNGASS) năm 2016.
Đại diện cho Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore nhấn mạnh việc các nước thành viên ASEAN đã tăng cường phối hợp chặt chẽ cùng nhau và với cộng đồng quốc tế để chống tội phạm xuyên quốc gia, nhắc lại cam kết của các nước ASEAN tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 11 của ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia, cũng như chương trình hành động của ASEAN khẳng định hợp tác của khối trong chống các loại tội phạm như khủng bố xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, vũ khí, rửa tiền, buôn người, tội phạm mạng và cướp biển.
ASEAN tiếp tục cam kết ủng hộ Ủy ban Về các vấn đề ma túy trong việc thực hiện vai trò là cơ quan hoạch định chính sách chính của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề và chính sách liên quan đến ma túy.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh, Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý trong báo cáo của Tổng thư ký về tình hình và chiều hướng của vấn đề ma túy và các loại tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay, nhất là những loại chất gây tác hại thần kinh mới có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc điều trị.
Đại sứ đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của UNODC trong việc cung cấp các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia để giải quyết các thách thức đang gia tăng về vấn đề kiểm soát ma túy.
Đại sứ Phạm Thị Kim Anh nhấn mạnh Việt Nam đã thực hiện cách tiếp cận tổng thể và toàn diện trong giải quyết vấn đề ma túy, nhấn mạnh đến các biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của người dân, huy động sự tham gia của xã hội trong việc kiểm soát ma túy và ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến ma túy.
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các cải cách tư pháp để phòng chống tội phạm ma túy, trong đó có việc sửa đổi bộ luật Hình sự, ban hành Chương trình Hành động quốc gia về kiểm soát ma túy đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với ASEAN, chia sẻ tầm nhìn của ASEAN cũng như hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol)..., trong việc kiểm soát ma túy.