Việt Nam thực hiện hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người

06/10/2017 14:31

Đấu tranh phòng, chống nạn buôn bán người đã trở thành vấn đề toàn cầu và là một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hợp tác trong khu vực để phòng, chống mua bán người

Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, có tổ chức và có yếu tố nước ngoài; tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm ngày càng cao.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác phòng, chống mua bán người. Nhờ đó, các chính sách, chương trình quốc gia, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tăng cường hợp tác quốc tế.

Tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Ảnh internet

Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm mua bán người cũng được chú trọng tăng cường và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đàm phán, ký hoặc gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng, trong đó cố Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Công ước ACTIP là văn kiện pháp lý của khu vực ASEAN nên nó có nhiều quy định mang tính đặc thù, riêng biệt của khu vực.

ACTIP gồm 7 chương, 31 điều, quy định mục đích, phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, quyền tài phán, hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, chống hành vi buôn bán người, thủ tục giải quyết tranh chấp.

Đây là điều ước quốc tế đa phương của khu vực được xây dựng để phòng, chống có hiệu quả nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và bảo đảm các hình phạt thích đáng và hiệu quả đối với những đối tượng có hành vi buôn bán người; bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán một cách hiệu quả, với việc tôn trọng đầy đủ quyền con người của họ; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia thành viên để đạt được mục đích đã xác định.

Mỗi quốc gia thành viên đều có quyền tài phán đối với các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia đó, trên tàu thủy mang cờ của quốc gia đó hoặc trên tàu bay được đăng ký theo luật pháp của quốc gia đó. Quốc gia thành viên cũng có quyền tài phán đối với các trường hợp người thực hiện tội phạm là công dân hoặc người không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ của quốc gia đó. Ngoài ra, một quốc gia cũng có thể thiết lập quyền tài phán nếu tội phạm được thực hiện chống lại công dân của quốc gia đó; hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức và được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của quốc gia thành viên đó nhằm thực hiện một tội phạm nghiêm trọng trong lãnh thổ của quốc gia thành viên đó (Điều 10 ACTIP).

Các quốc gia thành viên thiết lập quyền tài phán của mình đối với những hành vi phạm tội được Công ước này điều chỉnh khi người bị tình nghi là tội phạm có mặt trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đó và không dẫn độ người này với lý do họ là công dân của quốc gia thành viên đó; khi quốc gia thành viên phát hiện người bị tình nghi phạm tội có mặt trên lãnh thổ của mình nhưng không dẫn độ người này.

Để triển khai thực thi Công ước ACTIP, các nước ASEAN cũng thống nhất xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về thực thi Công ước ACTIP (APA). APA đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng hành động cụ thể trong phạm vi nội luật và chính sách của các thành viên ASEAN cũng như xác định các nghĩa vụ quốc tế có liên quan, nhằm giúp lực lượng chức năng các nước giải quyết hiệu quả các thách thức chung của khu vực, gồm: phòng ngừa mua bán người; bảo vệ nạn nhân; truy cứu trách nhiệm hình sự; hình sự hóa; và hợp tác quốc tế. Kế hoạch làm rõ những thách thức đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; các mục tiêu mà các quốc gia thành viên ASEAN hướng tới; chương trình hành động; và cơ chế thực thi, đánh giá.

Làm thế nào để thực hiện có hiệu quả ACTIP?

Thực hiện quy định của Công ước ACTIP, ngày 26/10/2016, Chính phủ có Tờ trình số 503/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước ACTIP. Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ACTIP. Công ước ACTIP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08/3/2017. Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động và khẳng định cam kết của Việt Nam cũng như của cả khu vực ASEAN trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời, góp phần vào việc triển khai Tuyên bố về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Kế hoạch hành động Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025.

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước ACTIP cùng với các điều ước quốc tế khác có liên quan, công dân Việt Nam ở nước ngoài bị tình nghi đã thực hiện một hành vi phạm tội theo quy định của Công ước sẽ không bị phân biệt đối xử, được hưởng những chế độ giống như chế độ nước sở tại dành cho công dân của nước họ khi phạm một tội tương tự hoặc tạo cơ sở pháp lý để có thể dẫn độ đối tượng này về Việt Nam để xét xử, thi hành án. Các nạn nhân bị buôn bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em Việt Nam sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ, tạo điều kiện để hồi hương và được bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật. Việt Nam và các quốc gia ASEAN cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tăng cường năng lực cũng như sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tài liệu về phòng, chống tội phạm buôn bán người của các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Như vậy, việc chính thức trở thành thành viên Công ước ACTIP có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN; mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, trong thời gian tới, để triển khai thực thi toàn diện, hiệu quả các quy định của Công ước ACTIP trên phạm vi cả nước, cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như xây dựng cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước. Xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự; tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc hướng dẫn cụ thể việc thực thi các quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật tương trợ tư pháp năm 2007 bảo đảm tính tương thích với các quy định của Công ước ACTIP, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam. Tích cực tham gia hoặc chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả quá trình triển khai Công ước với các quốc gia thành viên ASEAN.

Việc hoàn thiện pháp luật quốc gia và tích cực ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng khẳng định lập trường nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế. Việc Việt Nam sớm phê chuẩn Công ước ACTIP cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới; thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn và hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại tội phạm này.
}
Top